Gom góp tiền để mua nhà ở nhưng giấy tờ nhà bị cầm cố trong ngân hàng hoặc căn nhà đã bị bán lại cho người khác trong khi chính quyền không thể can thiệp.
Trên địa bàn huyện Hóc Môn, Tp.HCM đang xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xây nhiều căn nhà chỉ bằng một giấy phép, không làm thủ tục hoàn công, sau đó bán cho người mua bằng giấy tay để thu lợi. Ðiều đáng nói là rất nhiều "đầu nậu" sau khi bán nhà bằng giấy tay cho người mua, lại tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng khu nhà đất cho người khác. Thậm chí có "đầu nậu" mang giấy tờ nhà đã bán thế chấp ngân hàng để vay tiền.
Khu nhà của bà Loan, ông Ðược đã bán nhưng toàn bộ giấy tờ nhà đất đang bị ông Ðược "cắm" trong ngân hàng |
Hứa một đằng, làm một nẻo
Trong cơn mưa chiều tầm tã, chúng tôi tìm đến khu nhà hơn 4 căn nằm trong hẻm thuộc ấp 3, xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn do ông Huỳnh Công Ðược và bà Huỳnh Thanh Loan tách thửa xây cất và bán cho các hộ dân. Chị L.T.A, một trong những người mua nhà, buồn bã nói: "Em nhìn đi, căn nhà nhỏ chỉ 20 m2, lên 1 gác giả, bán với giá 260 triệu đồng. Ðây không phải là số tiền nhỏ với người có thu nhập thấp như chúng tôi. Sắp tới không biết sẽ ra sao nếu vợ chồng ông Ðược không chuộc được giấy tờ nhà từ ngân hàng!".
Theo chị A., lúc bán nhà, ông Ðược trưng đầy đủ giấy tờ khu đất, cả giấy phép xây dựng và hứa sẽ ra công chứng, tách thửa chuyển quyền sở hữu cho từng người mua nên ai cũng yên tâm, thậm chí mừng thầm vì mua được căn nhà vừa túi tiền. Thế nhưng, chờ mãi không thấy chủ đất thực hiện lời hứa, các hộ dân đến hỏi thì ông Ðược viện đủ lý do, khất hẹn. Khi người mua khiếu nại đến UBND xã Ðông Thạnh thì mới biết toàn bộ giấy tờ nhà đất của các hộ dân đang nằm trong ngân hàng. "Chúng tôi mua nhà giấy tay bởi nó vừa túi tiền của người thu nhập thấp. Giờ đây, chúng tôi như cá nằm trong rọ, chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán" - chị A. nói.
Cùng cảnh ngộ, 4 hộ dân sống cạnh bên như ngồi trên lửa. Ai cũng ngại tiếp xúc với chúng tôi vì sợ... mích lòng chủ đất. "Còn nước còn tát, chúng tôi rất mong chính quyền có cách can thiệp" - một người mua nhà ở đây hy vọng.
Dở khóc dở cười hơn là hoàn cảnh các hộ dân mua nhà của ông Vũ Văn Hải (ấp 6, xã Ðông Thạnh). Cuối năm 2010, ông Hải xin một giấy phép nhưng xây tới 4 căn nhà để bán, với lời hứa "bán xong căn cuối cùng sẽ giao giấy tờ nhà đất cho các hộ dân". Thế nhưng, ông Hải không thực hiện lời hứa, khi người mua hỏi thì ông cứ ậm ờ. Quá lo lắng, các hộ dân gồm ông T.V.G, ông N.H.P, bà D.T.G và bà Ð.T.X.M viết đơn khiếu nại gửi UBND xã đề nghị can thiệp. Tại buổi hòa giải, ông Hải thừa nhận đã mang giấy tờ nhà cầm cố bên ngoài và cho rằng lúc bán nhà là bán giấy tay, giờ các hộ đòi giấy tờ chính thì phải đưa thêm tiền. Nói vậy nhưng thực tế lại khác bởi ông Hải đã bán tiếp khu nhà đất này cho người khác, có hợp đồng công chứng hẳn hoi, thời điểm mua bán là tháng 10/2011.
Người mua chịu thiệt
Ông Nguyễn Văn Hây, Chủ tịch UBND xã Ðông Thạnh, cho biết đã có nhiều đơn thư khiếu nại gửi đến UBND xã nhờ can thiệp nhưng thực tế xã không thể giải quyết bởi việc mua bán nhà đất bằng giấy tay giữa chủ đầu tư và người mua là sai quy định.
"Ðể tránh những thiệt hại không đáng có, trước khi mua đất, người dân nên đến UBND xã để được hướng dẫn thủ tục cũng như xem quy hoạch cụ thể khu đất. Những người không có khả năng mua nhà diện tích lớn thì có thể 2 - 3 người mua chung một khu đất và đồng sở hữu, vừa an tâm vừa hợp pháp"- ông Hây nói.
Theo ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, người mua không nên tin lời mật ngọt của chủ đầu tư, việc mua bán giấy tay là sai quy định, nếu phát hiện và đủ chứng cứ, cả người mua và chủ đầu tư đều bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, hầu hết người mua đều chịu thiệt.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM, cho rằng không nên mua những căn nhà như trên bởi sau khi bán hết nhà, đất, những chủ đất, chủ công trình đứng tên trên giấy phép xây dựng sẽ bỏ đi nơi khác nên khi xảy ra sự cố thì những người mua chịu thiệt. Ngoài ra, người mua khó có thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bởi chủ đầu tư chưa hoàn công. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư cố ý xây dựng sai nội dung giấy phép nên theo quy định thì căn nhà đó sẽ không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn công.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người mua có thể khởi kiện ra TAND có thẩm quyền, yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán giấy tay vô hiệu để buộc chủ đầu tư bồi hoàn. Việc này được quy định tại điều 137 Bộ Luật Dân sự 2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét