Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Khiếu kiện tăng do luật thiên vị chủ đầu tư

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc tính giá đất không theo thị trường cộng với việc thiên vị chủ đầu tư khiến sự chống đối của người dân ngày càng phức tạp.

Bồi thường thấp, khiếu kiện tăng

Thưa ông, những vụ việc “nóng” liên quan đến vấn đề thu hồi đất thời gian qua có nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính là do vấn đề tính giá đất. Khi người bị thu hồi đất thấy giá mà Nhà nước, chủ đầu tư dự án bồi thường cho miếng đất thu hồi của họ thấp hơn giá thị trường, họ sẽ khiếu kiện, khiếu kiện không thành thì có thể làm phát sinh những biểu hiện tiêu cực như chống đối, rồi tấn công lực lượng chức năng, mà vụ việc của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình) là những ví dụ...

Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, trong đó chủ yếu là khiếu kiện về bồi thường khi thu hồi đất luôn chiếm tỷ lệ cao trong các loại hình khiếu kiện và ngày càng có xu hướng gia tăng. Người dân luôn cho rằng mức giá đất mà cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư tính bồi thường thấp hơn giá thị trường, còn cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư thì lại cho rằng mức giá đó là phù hợp rồi. Có thể ý kiến người dân chưa đúng, bởi tâm lý người dân luôn muốn giá đất của mình cao hơn, đó cũng là chuyện bình thường, cái đó không đáng trách. Cũng có thể cơ quan quản lý chưa chính xác, bởi cơ quan quản lý nhiều khi vẫn muốn có mức giá thấp hơn thị trường. Khi chúng ta chưa có một bảng giá đất sát với giá thị trường, thì mâu thuẫn và khiếu kiện vẫn tiếp tục.

Vậy theo ông cần phải làm gì để có một bảng giá đất sát với giá thị trường, để giảm mâu thuẫn và khiếu kiện về đất đai?

Làm gì để có mức giá công bằng, đó là câu chuyện đặt ra với người quản lý. Một thực tế là bảng giá đất do cơ quan Nhà nước ban hành chỉ bằng 10 - 80% giá thị trường. Năm 2006, Chính phủ có Nghị định 17/2006 quy định có 3 trường hợp nếu bảng giá đất không phù hợp thị trường, thấp hơn giá thị trường thì phải xác định lại cho phù hợp thị trường, đó là: Nhà nước giao đất có thu tiền, Nhà nước thu hồi đất mà tính toán bồi thường, xác định giá trị đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Vì Chính phủ cũng thấy thực tế các tỉnh quy định giá đất thấp hơn giá thị trường sẽ dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng, trong đó có việc bồi thường thấp hơn thị trường làm cho người dân khiếu kiện.

Khi chúng ta có một giá đất thị trường chuẩn thì mới có cơ sở dữ liệu để xác định, so sánh mức giá đền bù này là phù hợp hay chưa.
Người dân phản ánh nguyện vọng với cán bộ có thẩm quyền trong một dự án thu hồi đất thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội
Quy tắc “số đông đồng thuận, số ít phải theo”

Trong các đợt thu hồi đất đã xảy ra hiện tượng đa số người dân chấp nhận mức đền bù, chỉ một số ít người vẫn chây ỳ và khiếu kiện, vẫn đòi mức giá cao hơn. Trường hợp này, theo ông, đơn vị thu hồi đất có nên “cho thêm một ít” cho xong không?

Tôi đã từng đề xuất phương án đưa ra quy định “số ít phải theo số đông” khi thu hồi đất. Theo đó, nên đưa ra phương án cho cộng đồng của tất cả những người thu hồi đất thảo luận, và có quy định 2/3 đồng ý thì sẽ lấy mức giá này, 1/3 cộng đồng còn lại phải theo. Đã là một mức giá thì người nhận đền bù trước, người nhận sau phải đồng nhất, đừng để xảy ra tình trạng những người gương mẫu phải thiệt thòi. Như vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), quyết định của tỉnh quy định đảng viên phải gương mẫu chấp hành giao nộp đất, và những đảng viên Văn Giang gương mẫu giao đất đầu tiên chỉ được nhận mức đền bù 12 - 13 triệu đồng/sào trong khi những người cuối cùng của đợt thu hồi ấy được nhận đền bù với mức 39 triệu đồng/sào. Cách làm này khiến dân không khiếu kiện, chống đối thì cũng ấm ức, tâm không phục.

Thường các chủ đầu tư - đơn vị thu hồi đất luôn “né” việc thảo luận, bàn bạc với cộng đồng người bị thu hồi đất vì lo ngại “càng bàn càng rách việc”. Về vấn đề này, ông có khuyến nghị gì?

Pháp luật hiện hành có quy định phương án bồi thường tái định cư phải đưa ra thảo luận, để người bị thu hồi đất góp ý, Hội đồng GPMB chuẩn bị phương án này phải giải trình. Nhưng các kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 1/3 dự án là có đưa ra thảo luận với dân. Chủ đầu tư thường “trốn” đoạn này, nhờ vả chính quyền ra mặt tiếp xúc và lắng nghe ý kiến nhân dân, bởi chủ đầu tư lo ngại càng thảo luận thì càng nhiều ý kiến. Đây là việc làm trái pháp luật và mang tính áp đặt, không tạo đồng thuận cho người bị thu hồi đất. Khi đơn vị thu hồi đất trực tiếp lắng nghe ý kiến cộng đồng, rồi có những dẫn chứng, thuyết phục phù hợp, cộng đồng sẽ nghe theo.

Như đợt thu hồi đất “vàng” ở Hàng Bài (Hà Nội), theo giá đất của TP Hà Nội rất thấp, có vị trí dân đòi lên đến 1 tỷ/m2, chủ đầu tư đã kiên trì gặp mặt dân, lắng nghe ý kiến và tìm phương án giải quyết, sau cùng thống nhất với dân mức đền bù 650 -700 triệu/m2. Các cuộc họp lắng nghe ý kiến cộng đồng đều diễn ra rất nhẹ nhàng, điều đó cho thấy thảo luận và trưng cầu ý dân sẽ đi đến kết quả tốt chứ không hề “rách việc”.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lâu dài với người giao đất

Thực tế, sau khi giao đất, rất nhiều người, nhất là nông dân đã bị đảo lộn cuộc sống khi mất nhà đất, mất nghề nghiệp. Vậy theo ông, làm thế nào để ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người giao đất?

Tôi thấy các nước khi thu hồi đất của dân thường để người giao đất còn một phần đất/nhà ở nơi đã giao đất. Chẳng hạn khi thu hồi đất quy hoạch đô thị mới, người giao đất sẽ được nhận một phần tiền đền bù, phần còn lại quy thành đất đô thị kiểu một sào đất nông nghiệp được 36m2 đất đô thị. Khi người dân có đất ở dự án đó thì họ sẽ đồng thuận, chung tay với nhà đầu tư phát triển dự án, không có cảm giác bị mất mát, bị đẩy ra ngoài.

Pháp luật hiện hơi thiên vị nhà đầu tư, chưa có những quy định ràng buộc trách nhiệm lâu dài của nhà đầu tư với người mất đất, mà chỉ có quy định “ưu tiên nhận lao động địa phương”. Dự thảo Luật Đất đai cũng đưa ra quy định phải ưu tiên cho người tái định cư tại chỗ. Luật pháp không nên có chuyện “ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện” mà phải rõ ràng, cụ thể thì mới có sức sống dài lâu.
"Chúng ta nên có những quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai để người giao đất được đảm bảo quyền lợi. Nói chung con người là tốt, nên khi pháp luật có sức sống, đi vào đời sống nhân dân, thì người dân sẽ sống và làm theo pháp luật”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét