Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Xây dựng đường bê tông “vì dân phục vụ” đầu tiên tại quận 2

(SGGPO).- Sáng ngày 27-9, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 2 đã khởi công xây dựng đường bê tông và hệ thống thoát nước tại con đường số 19 tại Khu phố 2 phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng (ảnh).
Hiện nay, con đường đất đá có chiều dài gần 500m này luôn bị ngập khi mưa, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của khoảng 100 hộ dân đang sinh sống trong khu vực này. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên trong 13 tuyến đường bê tông hóa “vì dân phục vụ” nhằm xóa đường đất đá trên địa bàn quận 2 trong năm 2013. Số tiền trên do cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 2 đóng góp ngày lương để xây dựng nhằm nâng cao môi trường và chất lượng sống của người dân.
Ông Mai Văn Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết, việc xây dựng đường bê tông sẽ được Công ty thực hiện dưới sự giám sát cộng đồng của người dân, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 tháng để đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phục vụ bà con trước Tết Nguyên đán 2014.

Hạnh Nhung

Muôn nẻo thợ hồ

(Cadn.com.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng đang trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Theo đó, nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều khu dân cư hình thành... khiến Đà Nẵng như một đại công trường xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là hàng vạn thợ hồ.
Muôn người theo một nghiệp
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, những năm qua đã có hàng nghìn công trình xây dựng được các cơ quan chức năng cấp phép trên địa bàn. Trong đó nhiều công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng, mang tầm chiến lược lâu dài như tòa nhà Trung tâm hành chính TP, Bệnh viện Ung thư, các hội sở ngân hàng, khách sạn, resot, nhà dân... và cần một lượng đáng kể lao động. Anh Hữu, một chủ thầu xây dựng tại Liên Chiểu cho hay, mỗi năm anh thường nhận từ 10 đến 20 công trình xây mới, phần lớn là xây nhà ở, nhà trọ. Ngoài ra còn có thêm những công trình tu sửa, nâng cấp. Trung bình mỗi căn nhà từ khi đổ móng đến lúc hoàn thiện thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng, vì vậy lúc nào tổ thợ của anh cũng phải duy trì từ 15 đến 30 người, và dường như không bao giờ hết việc.
Trên mỗi công trình xây dựng tại Đà Nẵng, không khó để nhận ra một phần của xã hội được thu nhỏ tại nơi này. Có rất nhiều người lao động khác nhau về độ tuổi, ngành nghề, quan hệ xã hội, vùng miền cùng làm chung trên một công trường. Phần lớn thợ hồ tại Đà thành chủ yếu xuất thân từ nông dân tại các vùng nông thôn ngoại thành Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, có người nhân lúc mùa vụ nông nhàn theo các chủ thầu vốn là bà con thân thích, hàng xóm láng giềng kiếm thêm thu nhập, song chiếm phần đông vẫn là thợ chuyên nghiệp. Cũng có người từng là nông dân tại các vùng nông thôn vừa được quy hoạch, hết ruộng đất, trở thành những thị dân bất đắc dĩ, không nghề nghiệp ổn định... nên chọn thợ hồ làm kế mưu sinh. Số ít trong họ có những học sinh, sinh viên, và cả giáo viên, tranh thủ những ngày hè đi làm thợ hoặc phụ hồ; những em bé tuổi mới mười ba, mười bốn bỏ dở giấc mơ đến trường bám theo cha, chú, anh chị cùng quê ra phố làm bạn với xi-măng, gạch, cát...
Không có trang phục bảo hộ lao động cho những người thợ hồ.
Nhìn những chàng thanh niên nước da rám nắng, mồ hôi nhễ nhại xúc từng xẻng hồ lớn lên giàn giáo cao hơn 2m, tại khu 532 (Q. Liên Chiểu) anh Hữu thở dài: "Chỗ anh tuyển phụ hồ toàn trình độ Đại học...". Như biết lỡ lời, anh lại  phân trần: "Toàn sinh viên vừa ra trường, không xin được việc làm, thất nghiệp, thôi em à. Thằng em đó học cầu đường của Bách khoa, thằng em kia học khoa Văn trường Sư phạm, thằng kia học kế toán của bên Kinh tế...".
Có thể thấy rằng, thợ hồ đang bỗng chốc trở thành ngành "hot" tại Đà thành. Nó không chỉ giải quyết được nạn thất nghiệp đang "thịnh" tại tất cả những thành phố lớn, mà còn đang tích cực góp phần hàng ngày xây dựng nên diện mạo của thành phố. Tuy nhiên, đằng sau những niềm tự hào mang tính an ủi đó,  những người thợ hồ phải trả những cái giá nhiều hơn sức lao động.  Quanh năm long đong theo những công trình, nay đây mai đó, ăn ở tạm bợ, người thợ hồ đang phải đánh đổi sức lực, mồ hôi, thậm chí là hơn thế...
Nghề của những chuyến đi xa
Dường như đã là cái tiền định, ít ai chọn nghiệp thợ hồ mà không phải xa nhà, bởi phụ thuộc vào chủ thầu, mà chủ thầu thì sẵn sàng "nhận" bất kỳ công trình nào, dù xa tới đâu. "Cái nghề này cũng giống như nghề đi biển vậy, phải xa nhà mới mong có công việc để làm, thế nên họ gọi đây là nghề của những chuyến đi xa", ông Chín Sơn, một thợ hồ đã có thâm niên hơn 20 năm, chia sẻ. Nhà ở tại Thăng Bình (Quảng Nam), cứ sau mỗi vụ cày cấy hoặc thu hoạch đồng ruộng, ông lại tay thước, tay bay lên đường ra Đà Nẵng. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài hàng tháng trời, chỉ khi gia đình có việc quan trọng ông mới về. Ông kể, một thời ông theo cánh thợ hồ Hòa Xuân, Khuê Trung sang Lào, ra Quảng Ninh, lên Lạng Sơn, về Hà Nội... Muốn thăm nhà, mỗi chuyến đi về có thể chi phí lên tới cả... mười ngày công! Giờ tuổi cao, ông chỉ đủ sức làm ở những công trình gần. Nhóm thợ của ông vừa làm xong một công trình tại Liên Chiểu, nay tiếp tục một công trình khác tại Cẩm Lệ.
Nghề thợ hồ tại Đà Nẵng quanh năm không ngớt việc. Khi nhận một công trình nào đó, việc đầu tiên của họ là dựng những chiếc lán trại tạm bợ để làm nơi ăn ngủ. Tiếp theo là chọn một địa chỉ cơm hộp vừa túi tiền, hợp khẩu vị... Trong không khí sum họp của cả nhóm thợ mỗi buổi đêm về, có lẽ người thợ xa nhà cũng vơi bớt được chút nào những nỗi niềm riêng...
Trên công trường không chỉ đổ mồ hôi
 Có thể nói, sự vất vả, khổ cực của nghề thợ hồ không còn là chuyện lạ đối với những ai từng chọn nó làm nghiệp mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà các Cục Thống kê Lao động đã xếp nghề xây dựng vào nhóm 10 nghề nguy hiểm và độc hại nhất thế giới. Chứng kiến một ngày công lao động của những người thợ hồ trên công trường, mới thấy hết nỗi khổ cực và nguy hiểm dành cho họ. Không đồ bảo hộ lao động, không chế độ bảo hiểm thân thể hay bảo hiểm y tế, những người thợ hồ hàng ngày phơi nắng phơi mưa trên những công trình xây dựng, làm bạn với vôi vữa, hít thở bụi xi- măng và gạch, cát. Cường, một phụ hồ đang làm việc tại Thanh Khê tâm sự: "Đâu chỉ có độc hại, mỗi năm nghề này cũng... "cống" cho Diêm Vương  mấy chục sinh mạng. Không ai thống kê, chủ yếu là giấu nhẹm, mê tín mà...".
 Những nguy hiểm bất ngờ luôn rình rập những người thợ hồ như sập giàn giáo, gạch đá rơi, gãy trụ chống, dẫm phải đinh hay cọc nhọn... Không ai muốn tai nạn xảy ra, từ những thợ, phụ, chủ thầu cho đến những chủ công trình. Nhưng, để hạn chế tai nạn, ít ai chịu khó trang bị bảo hộ cho thợ và công trình, trừ những công ty xây dựng lớn. Đặc biệt, với những thợ hồ, sau khi lưng mỏi, chân run, họ "về hưu" mà không có một thứ gì "bảo hiểm" cho cuộc sống về sau, mà chỉ dựa vào sự trả ơn của con cái, thế hệ mà những thợ hồ hầu như dành trọn một đời nghề để "đầu tư" cơm áo, học phí, tình yêu và cả niềm hy vọng...

Lại sập nhà ở Mumbai (Ấn Độ), hàng chục người bị chôn vùi

Tin Nóng) Lúc 6 giờ sáng nay 27.9, một tòa nhà 5 tầng bất ngờ sập đổ ở thành phố Mumbai, Ấn Độ; chôn vùi hơn 60 người bên trong. Tin mới nhất cho biết đã có 2 người chết.


Hiện trường căn nhà 5 tầng sập lúc sáng 27.9, chôn vùi hàng chục người - Ảnh: AFP
Tòa nhà này nằm gần chợ Babugenu, và cũng gần bến cảng.
Các đội cứu hộ, cứu hỏa và cứu thương đã đổ đến hiện trường, cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. 
Hiện tại mới có 14 người được cứu từ đống đổ nát.
Tòa nhà này đã cũ kỹ và chưa được nâng cấp sửa chữa.
Đây là vụ sập nhà lần nghiêm trọng thứ hai trong năm nay tại Mumbai. Hồi tháng 6, một vụ sập nhà ở khu vực Mahim đã làm chết 10 người.

Ấn Độ thường xảy ra các vụ sập nhà do hạ tầng quá cũ kỹ - Ảnh: Indian Express
Tin Nóng

Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu đất số 3 phố Lê Trọng Tấn

afeLand – UBND Hà nội vừa ban hành Quyết định số 5626/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất xây dựng công trình tại số 03 phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân.
Theo quy hoạch trước đây, khu đất số 03 phố Lê Trọng Tấn nằm trong ô quy hoạch có ký hiệu số 16 được xác định chức năng đất công cộng thành phố với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho cả ô quy hoạch như sau: mật độ xây dựng 50%, tầng cao trung bình 2,5 tầng.
Nay điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại ô đất này từ chức năng đất công cộng sang xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp, công cộng: dịch vụ thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, nhà trẻ và cây xanh với các chỉ tiêu như sau:
Diện tích đất xây dựng khoảng 4.717,3m2, tổng diện tích sàn xây dựng 60.346m2, công trình gồm 24 tầng nổi và 2 tầng hầm, chiều cao tối đa 97m, quy mô dân số khoảng 1.080 người.
Dự án do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư.
N.Đăng

Hà Nội: Triển khai hàng loạt công trình hạ tầng giao thông khung

(HNMO) – Tin từ Sở GTVT cho biết, trong thời gian tới Sở đang tập trung đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông khung.
Đó là triển khai các dự án giao thông quan trọng như hợp phần Vành đai 2 thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, đường Văn Cao – Hồ Tây, đường Kim Mã – Trần Phú; Tập trung triển khai xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Kim Mã (nút Daewoo), hoàn thành thông xe vào đầu tháng 10/2013.
 
Cầu vượt Daewoo sắp được thông xe vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10.
Cầu vượt Daewoo sắp được thông xe vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Bên cạnh đó là xây dựng các cầu trong nhóm 34 cầu yếu vượt sông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương: cầu Hậu Xá, Ba Thá, Mỗ Lao, Ngọc Hồi, Từ Châu, Gốm, Đầm Mơ, Thuần Lương, Yên Trình, cầu Zét…

Mặt khác là xây dựng 15 cầu đi bộ (7 cầu đang triển khai và 8 cầu xây dựng mới); cầu vượt cho người đi bộ số 2 tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long; nghiên cứu xây dựng cầu vượt cho người đi bộ và xe máy qua đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (khu vực xã Quang Minh).

Ngoài ra, Sở GTVT còn đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT và các quận, huyện, thị xã, triển khai các công trình giao thông do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn Hà Nội như: dự án Nội Bài – Lào Cai, dự án đường Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh…

Tiếp đó là các dự án giao thông trọng điểm như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, đường Vành đai I, Vành đai II, đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù...

Tuy còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai (liên quan đến giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư…) nhưng những dự án trên khi hoàn thành sẽ hình thành hệ thống đường vành đai, hướng tâm và kết nối liên thông theo mạng, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn trong mạng lưới giao thông, đường sắt đô thị, hạ tầng xe buýt, bến bãi đỗ xe… tốt hơn cho Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đích danh ba nhà thầu “có vấn đề”

Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có công văn chỉ đích danh 3 nhà thầu “có vấn đề”, đồng thời nhắc nhỏ các đơn vị trong ngành phải “lưu ý” khi xem xét năng lực của các nhà thầu này trong quá trình đấu thầu tới đây.
Cụ thể, bộ này đã có thông báo số 656/BGTVT-TTr gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục, các ban quản lý dự án, các sở giao thông vận tải; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long về việc “xem xét đánh giá năng lực một số đơn vị khi tham gia đấu thầu”.

Theo văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án “lưu ý thận trọng xem xét đánh giá năng lực của các công ty: Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng công trình 623 và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội số 44 khi tham gia đấu thầu các dự án trong ngành giao thông vận tải”.

Trước đó, Kết luận thanh tra số 6677/KL-BGTVT ngày 9/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc thanh tra công tác quản lý, thực hiện các dự án Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Đầm Cùng, dự án qua thị xã Đồng Xoài do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư đã phát hiện nhiều “lỗi” từ các nhà thầu này.

Động thái này cho thấy quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc chấn chỉnh kỷ cương trong việc triển khai các gói thầu về giao thông. Dù văn bản của bộ không khẳng định điều gì, tuy nhiên với văn bản trên, ba nhà thầu nói trên cũng sẽ bị “lưu ý” khi tham gia các dự án trong ngành giao thông.

Trong ba nhà thầu bị nêu tên, đáng chú ý là trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, một nhà thầu đang tham gia nhiều dự án giao thông quan trọng khắp cả nước như Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, Dự án đường cao tốc Cầu Rẽ - Ninh Bình, Dự án đường cao tốc nối Cầu Nhật Tân - Sân bay Nội Bài, Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3, 3B, 279, 31…

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành dự án của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Hải, đã bị đình chỉ chức vụ vì liên quan đến việc triển khai dự án Quốc lộ 14.

Ban quản lý dự án cũng yêu cầu thay 4 kỹ sư thuộc một đơn vị tư vấn giám sát công trình của Cuba, phê bình hai doanh nghiệp nhà thầu và yêu cầu thay hàng loạt cán bộ tại các gói thầu mà hai đơn vị này thi công trên quốc lộ 14.

Cuối năm 2011, ngành giao thông cũng từng xôn xao với việc Ban quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã loại 5 nhà thầu phụ theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải do thi công không đảm bảo tiến độ ra khỏi dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Giảm giá "sốc" có kéo được người mua?

Liệu người mua nhà có sẵn sàng mở hầu bao khi vừa qua rất nhiều dự án giảm giá, thậm chí một số dự án còn tuyên bố giảm giá sốc tới 50%?

BĐS hạ mình

Để hâm nóng thị trường địa ốc nguội lạnh trong suốt thời gian qua, doanh nghiệp đã tung ra không ít những “chiêu độc” từ hỗ trợ mua nhà lãi suất thấp, khuyến mại khủng, mua nhà tặng quà đến ở thử…nhưng vẫn chưa đủ sức để kích cầu thị trường.

Làn sóng giảm giá lan rộng trên tất cả các phân khúc thậm chí nhiều dự án căn hộ cao cấp cũng “hạ mình”. Mạnh mẽ nhất phải kể đến thị trường TP Hồ Chí Minh. Mới đây nhất là động thái giảm giá cực “sốc” gần 50% của hai đại gia bất động sản trên thị trường Tp.HCM từ dự án Sunrise City của Tập đoàn Novaland và dự án The EverRich3 của Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt.
Mạch giảm giá len lỏi vào thị trường BĐS trong suốt thời gian qua
Tại Hà Nội, mạch giảm giá cũng len lỏi vào thị trường trong suốt thời gian qua. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý II-2013 của một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội thì tất cả các loại căn hộ thuộc các phân khúc đều giảm mạnh so với thời điểm quý I-2011, đặc biệt là phân khúc chung cư trung cấp. Trong đó, quận Hà Đông là nơi có giá giảm mạnh nhất với 33%, tiếp đến là huyện Từ Liêm giảm 30%, Đống Đa 23%.

Khảo sát trên những dự án “vàng” một thời giá cũng đua nhau lao dốc. Như tại KĐT Dương Nội có thời điểm giá biệt thự lên tới 65 – 70 triệu đồng/m2 nay giảm chỉ còn 30 – 40 triệu đồng/m2, KĐT Mỹ Đình II giá giao động từ 100 – 120 triệu đồng/m2. Chung cư Xa La, Văn Khê cũng đồng loạt giảm 40 – 50% giao dịch ở mức 13 – 25 triệu đồng/m2…

Thắt hầu bao, người mua vẫn chờ

Động thái đại hạ giá của hai đại gia được đánh giá là một tín hiệu tích cực cho thị trường trong thời gian tới. Không chỉ giúp doanh nghiệp tìm được đầu ra cho chính mình tạo được dòng tiền, thanh khoản trong thời gian tới, thị trường còn chờ đợi sự điều chỉnh mốc giá mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, để kích cầu thị trường thì doanh nghiệp nên tiếp tục giảm giá. Đặc biệt khi Hoàng Anh Gia Lai từng tuyên bố có thể giảm giá bán căn hộ 50% mà vẫn có lãi thì người mua càng trở nên dè chừng. Trước phát ngôn gây sốc cùng những con số giảm giá đưa ra trong thời gian qua có người còn cho rằng giá BĐS thậm chí có thể giảm sâu đến 50% so với mức giá hiện nay.
Người mua giờ đây rất tỉnh táo với nhu cầu của mình
Vì vậy, cú sốc mới của thị trường mang tên Novaland và Phát Đạt vẫn chưa phá tan được bầu không khí chờ đợi của người mua. Theo GS. Đặng Hùng Võ: "Mặc dù giá nhà đất giảm song không phải ai cũng sẵn sàng mua, trừ những người có nhu cầu thực sự. Ngay cả khi có nhu cầu thực, khách mua nhà cũng còn phân vân chưa muốn quyết định ngay mà có tâm lý chờ đợi nhà đất tiếp tục giảm giá, bởi hàng tồn kho bất động sản vẫn còn rất nhiều, chủ đầu tư không thể đeo một khối nợ nặng nề mãi”.

Giảm giá giờ đây đã không còn là chuyện gì quá mới. Người mua giờ đây họ rất tỉnh táo với nhu cầu của mình. Nhu cầu của họ là có thật nhưng phải cân đối và hợp lý. Và ở đây người mua vẫn còn đang chờ đợi một sự cân đối thực sự với nhu cầu của họ - Nhân viên một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội cho biết.

Khiếu kiện tăng do luật thiên vị chủ đầu tư

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc tính giá đất không theo thị trường cộng với việc thiên vị chủ đầu tư khiến sự chống đối của người dân ngày càng phức tạp.

Bồi thường thấp, khiếu kiện tăng

Thưa ông, những vụ việc “nóng” liên quan đến vấn đề thu hồi đất thời gian qua có nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính là do vấn đề tính giá đất. Khi người bị thu hồi đất thấy giá mà Nhà nước, chủ đầu tư dự án bồi thường cho miếng đất thu hồi của họ thấp hơn giá thị trường, họ sẽ khiếu kiện, khiếu kiện không thành thì có thể làm phát sinh những biểu hiện tiêu cực như chống đối, rồi tấn công lực lượng chức năng, mà vụ việc của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình) là những ví dụ...

Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, trong đó chủ yếu là khiếu kiện về bồi thường khi thu hồi đất luôn chiếm tỷ lệ cao trong các loại hình khiếu kiện và ngày càng có xu hướng gia tăng. Người dân luôn cho rằng mức giá đất mà cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư tính bồi thường thấp hơn giá thị trường, còn cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư thì lại cho rằng mức giá đó là phù hợp rồi. Có thể ý kiến người dân chưa đúng, bởi tâm lý người dân luôn muốn giá đất của mình cao hơn, đó cũng là chuyện bình thường, cái đó không đáng trách. Cũng có thể cơ quan quản lý chưa chính xác, bởi cơ quan quản lý nhiều khi vẫn muốn có mức giá thấp hơn thị trường. Khi chúng ta chưa có một bảng giá đất sát với giá thị trường, thì mâu thuẫn và khiếu kiện vẫn tiếp tục.

Vậy theo ông cần phải làm gì để có một bảng giá đất sát với giá thị trường, để giảm mâu thuẫn và khiếu kiện về đất đai?

Làm gì để có mức giá công bằng, đó là câu chuyện đặt ra với người quản lý. Một thực tế là bảng giá đất do cơ quan Nhà nước ban hành chỉ bằng 10 - 80% giá thị trường. Năm 2006, Chính phủ có Nghị định 17/2006 quy định có 3 trường hợp nếu bảng giá đất không phù hợp thị trường, thấp hơn giá thị trường thì phải xác định lại cho phù hợp thị trường, đó là: Nhà nước giao đất có thu tiền, Nhà nước thu hồi đất mà tính toán bồi thường, xác định giá trị đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Vì Chính phủ cũng thấy thực tế các tỉnh quy định giá đất thấp hơn giá thị trường sẽ dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng, trong đó có việc bồi thường thấp hơn thị trường làm cho người dân khiếu kiện.

Khi chúng ta có một giá đất thị trường chuẩn thì mới có cơ sở dữ liệu để xác định, so sánh mức giá đền bù này là phù hợp hay chưa.
Người dân phản ánh nguyện vọng với cán bộ có thẩm quyền trong một dự án thu hồi đất thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội
Quy tắc “số đông đồng thuận, số ít phải theo”

Trong các đợt thu hồi đất đã xảy ra hiện tượng đa số người dân chấp nhận mức đền bù, chỉ một số ít người vẫn chây ỳ và khiếu kiện, vẫn đòi mức giá cao hơn. Trường hợp này, theo ông, đơn vị thu hồi đất có nên “cho thêm một ít” cho xong không?

Tôi đã từng đề xuất phương án đưa ra quy định “số ít phải theo số đông” khi thu hồi đất. Theo đó, nên đưa ra phương án cho cộng đồng của tất cả những người thu hồi đất thảo luận, và có quy định 2/3 đồng ý thì sẽ lấy mức giá này, 1/3 cộng đồng còn lại phải theo. Đã là một mức giá thì người nhận đền bù trước, người nhận sau phải đồng nhất, đừng để xảy ra tình trạng những người gương mẫu phải thiệt thòi. Như vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), quyết định của tỉnh quy định đảng viên phải gương mẫu chấp hành giao nộp đất, và những đảng viên Văn Giang gương mẫu giao đất đầu tiên chỉ được nhận mức đền bù 12 - 13 triệu đồng/sào trong khi những người cuối cùng của đợt thu hồi ấy được nhận đền bù với mức 39 triệu đồng/sào. Cách làm này khiến dân không khiếu kiện, chống đối thì cũng ấm ức, tâm không phục.

Thường các chủ đầu tư - đơn vị thu hồi đất luôn “né” việc thảo luận, bàn bạc với cộng đồng người bị thu hồi đất vì lo ngại “càng bàn càng rách việc”. Về vấn đề này, ông có khuyến nghị gì?

Pháp luật hiện hành có quy định phương án bồi thường tái định cư phải đưa ra thảo luận, để người bị thu hồi đất góp ý, Hội đồng GPMB chuẩn bị phương án này phải giải trình. Nhưng các kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 1/3 dự án là có đưa ra thảo luận với dân. Chủ đầu tư thường “trốn” đoạn này, nhờ vả chính quyền ra mặt tiếp xúc và lắng nghe ý kiến nhân dân, bởi chủ đầu tư lo ngại càng thảo luận thì càng nhiều ý kiến. Đây là việc làm trái pháp luật và mang tính áp đặt, không tạo đồng thuận cho người bị thu hồi đất. Khi đơn vị thu hồi đất trực tiếp lắng nghe ý kiến cộng đồng, rồi có những dẫn chứng, thuyết phục phù hợp, cộng đồng sẽ nghe theo.

Như đợt thu hồi đất “vàng” ở Hàng Bài (Hà Nội), theo giá đất của TP Hà Nội rất thấp, có vị trí dân đòi lên đến 1 tỷ/m2, chủ đầu tư đã kiên trì gặp mặt dân, lắng nghe ý kiến và tìm phương án giải quyết, sau cùng thống nhất với dân mức đền bù 650 -700 triệu/m2. Các cuộc họp lắng nghe ý kiến cộng đồng đều diễn ra rất nhẹ nhàng, điều đó cho thấy thảo luận và trưng cầu ý dân sẽ đi đến kết quả tốt chứ không hề “rách việc”.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lâu dài với người giao đất

Thực tế, sau khi giao đất, rất nhiều người, nhất là nông dân đã bị đảo lộn cuộc sống khi mất nhà đất, mất nghề nghiệp. Vậy theo ông, làm thế nào để ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người giao đất?

Tôi thấy các nước khi thu hồi đất của dân thường để người giao đất còn một phần đất/nhà ở nơi đã giao đất. Chẳng hạn khi thu hồi đất quy hoạch đô thị mới, người giao đất sẽ được nhận một phần tiền đền bù, phần còn lại quy thành đất đô thị kiểu một sào đất nông nghiệp được 36m2 đất đô thị. Khi người dân có đất ở dự án đó thì họ sẽ đồng thuận, chung tay với nhà đầu tư phát triển dự án, không có cảm giác bị mất mát, bị đẩy ra ngoài.

Pháp luật hiện hơi thiên vị nhà đầu tư, chưa có những quy định ràng buộc trách nhiệm lâu dài của nhà đầu tư với người mất đất, mà chỉ có quy định “ưu tiên nhận lao động địa phương”. Dự thảo Luật Đất đai cũng đưa ra quy định phải ưu tiên cho người tái định cư tại chỗ. Luật pháp không nên có chuyện “ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện” mà phải rõ ràng, cụ thể thì mới có sức sống dài lâu.
"Chúng ta nên có những quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai để người giao đất được đảm bảo quyền lợi. Nói chung con người là tốt, nên khi pháp luật có sức sống, đi vào đời sống nhân dân, thì người dân sẽ sống và làm theo pháp luật”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

VP cho thuê: Nhiều dự án "đỏ mắt" tìm khách

Tình trạng dư thừa nguồn cung và thắt chặt chi tiêu của các doanh nghiệp khiến nhiều văn phòng hạng sang ôm nỗi lo phá sản. Dọc các tuyến đường lớn, đâu đó có những tòa nhà bỏ không hoang lạnh, không ít chủ đầu tư sở hữu những tòa văn phòng cao cấp mà ngập nợ nần khó khăn.

>>   Văn phòng cho thuê sẽ khởi sắc vào cuối năm /Hà Nội: Thị trường bán lẻ và văn phòng cho thuê có nguy cơ "vỡ trận"
Đỏ mắt tìm khách

Tòa nhà Sông Hồng Land trên đường Thái Hà (Hà Nội) đang mời chào khách thuê. Với 12 tầng văn phòng, mỗi sàn lên tới 695m2, tòa nhà cung cấp thêm 8.300m2 diện tích cho thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội. Sông Hồng Land cùng với nhiều tòa nhà khác hoàn thành trong quý này gồm VCCI, Ngọc Khánh Plaza, Star Towers, Capital Building, Hồng Hà center... đang có nguy cơ bỏ trống hàng trăm mét vuông diện tích bởi không có khách thuê.

Nhiều tòa nhà đã khai trương cách đây mấy năm như Capital Building ở Trần Hưng Đạo, Viet Tower đường Tây Sơn,... hiện cũng đang treo biển cho thuê. Tại cụm công nghiệp nhỏ và vừa quận Cầu Giấy, rất nhiều tòa văn phòng cho thuê đã hoàn thiện trong tình trạng bỏ trống đợi khách thuê và “cuộc chiến” tìm kiếm và giữ chân khách hàng chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn với giới chủ đầu tư văn phòng cho thuê.
Hiện, áp lực cho các chủ tòa nhà mới hoàn thành ngày càng lớn, họ phải tìm đủ mọi cách để có khách thuê nếu không muốn đi đến ngõ cụt và rơi vào tình trạng ế ẩm, xây xong rồi bỏ không. Trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư “thà tìm kiếm khách thuê giá rẻ lấp đầy còn hơn là để diện tích trống trong tòa nhà của mình”.

Theo khảo sát xu hướng thuê văn phòng của một đơn vị tư vấn, số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng văn phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số đơn vị chuyển văn phòng mới chủ yếu do giá thuê hấp dẫn hơn. Sự dịch chuyển của khách thuê từ tòa nhà này sang tòa nhà khác chính vì thế số diện tích văn phòng cho thuê được không có nhiều thay đổi, tỷ lệ trống vẫn tương đối cao. Nhu cầu về văn phòng cho thuê đã giảm xuống thấp nhấp trong 3 năm qua.

Ông Greg Ohan, Giám đốc mảng văn phòng cho thuê (CBRE VN) cho hay, khách hàng chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp ngành dịch vụ và tiêu dùng và những nhà máy sản xuất chi phí thấp.

Cắt giảm chi phí đang là động lực để các doanh nghiệp di chuyển, thay đổi văn phòng. Tuy nhiên, chỉ có những tòa nhà có vị trí thuận tiện và dịch vụ quản lý tốt mới mong được khách thuê chú ý, vì hiện doanh nghiệp có quá nhiều lựa chọn để mở văn phòng. Những chủ đầu tư không thể cung cấp 2 yếu tố trên sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc cho thuê các diện tích trống, điều này dẫn đến sự cách biệt ngày càng tăng giữa hai nhóm chủ đầu tư.

Còn một thực tế khác mà không mấy chủ đầu tư văn phòng cho thuê thừa nhận là “sức hút” từ các thương hiệu lớn hiện diện trong giai đoạn đầu tìm kiếm khách thuê. Chỉ cần một vài tập đoàn quốc tế đến thuê, lập tức tòa văn phòng cho thuê sẽ được sự chú ý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng để làm được điều đó trong thời điểm này cũng khó như “đãi cát, tìm vàng”

Chưa tới đáy?

Báo cáo thị trường văn phòng cho thuê của CBRE VN cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội vẫn tương tự như những quý trước và thật khó để dự đoán khi nào sẽ chạm đáy. Thậm chí, Hà Nội còn chuẩn bị đón nhận thêm nguồn cung văn phòng mới đạt xấp xỉ 134.000m2 vào 6 tháng cuối năm 2013. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thuê văn phòng cũng đã giảm, tòa nhà văn phòng hạng A giảm 1,5% so với quý trước, hạng B giảm tới 10%. Giá thuê trung bình ở hạng A là 32 USD/m2/tháng, hạng B khoảng 17 USD/m2/tháng.
Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai, mức độ cạnh tranh giữa các chủ đầu tư ngày càng gay gắt bằng việc cung cấp các ưu đãi hấp dẫn để hạn chế diện tích trống trong tòa nhà. Do đó, các khách thuê tiềm năng có ưu thế hơn trong quá trình đàm phán ví dụ như đạt được những ưu đãi về giá thuê, chỗ đỗ xe miễn phí hoặc thời gian miễn phí tiền thuê.

Chưa hết, CBRE dự đoán gần 500.000m2 sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2015-2017. Nguồn cung mới này sẽ tăng gấp đôi nguồn cung hiện tại lên tổng hơn 2 triệu m2 diện tích cho thuê trong thời gian tới.

Còn Savills ước tính đến năm 2015, 54 dự án văn phòng mới cung cấp khoảng 713.000 m2 dự kiến gia nhập thị trường. Đặc biệt, nguồn cung mới tính đến năm 2015 tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây, bao gồm Cầu Giấy và Từ Liêm với tổng nguồn cung xấp xỉ 269.800m2, chiếm 38% nguồn cung mới của toàn thị trường.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, cho biết, “cạnh tranh giữa những tòa nhà văn phòng tiếp tục tăng lên. Trong cuộc “chiến đấu vì chất lượng”, những khách thuê hiện tại vẫn đang tìm kiếm những tòa nhà có giá thuê rẻ mà chất lượng tốt hơn”.

Đại diện CBRE VN nhận định, Hà Nội là một thị trường văn phòng điển hình mà trong đó khách thuê là những người có ưu thế, và không có một dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi trong những tháng còn lại của năm 2013.

Hà Nội: Dân bức xúc vì dự án "đắp chiếu" 4 năm

Người dân xã Trung Châu (Đan Phượng, Hà Nội) rất bức xúc trước việc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) được thuê hàng trăm ha đất để thực hiện dự án khai thác vật liệu xây dựng nhưng sau 4 năm, dự án này vẫn nằm im bất động, gây lãng phí tài nguyên đất.

Khoảng 30% diện tích dự án để hoang có thể canh tác.

Trước sự việc dự án khai thác vật liệu xây dựng tại bãi Tân Bồi, ven sông Hồng của Công ty Bình Minh vẫn nằm im, ông Bùi Ngọc Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu, cho biết: 5 năm qua, người dân xã Trung Châu rất bức xúc khi thấy 100ha đất bãi bồi của địa phương được giao cho Công ty Bình Minh bị bỏ hoang. Theo ông Sáng, 100ha đất bãi Tân Bồi, trong đó khoảng 30% diện tích có thể canh tác, số còn lại là đất pha cát có thể trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Trước năm 2008, khi chưa giao đất cho Công ty Bình Minh diện tích trên, ngân sách xã thu về mỗi năm 1 tỷ đồng từ việc giao khoán cho nhân dân trồng rau màu, nếu 5 năm qua không cho thuê, ngân sách xã Trung Châu đã có 5 tỷ đồng. Ông Sáng đề nghị, trong trường hợp năng lực của Công ty Bình Minh không kham nổi thì cần sớm thu hồi đất trả lại địa phương sử dụng.

Lãnh đạo xã Trung Châu cho biết thêm, đã có phương án tiếp quản, sử dụng hiệu quả diện tích đất nêu trên. Đối với diện tích không có khả năng sản xuất, xã mời các doanh nghiệp khác vào đầu tư khai thác vật liệu xây dựng, diện tích khác đưa vào mục đích sản xuất nông nghiệp gieo trồng cây có thu nhập cao. Xem ra việc tính toán của lãnh đạo xã này có cơ sở, bởi trên một số diện tích đất bãi liền kề sử dụng vào mục đích nông nghiệp, người dân trồng hai vụ ngô, một vụ đậu cho hiệu quả kinh tế cao. Trên vùng đất bãi này, 5ha chuối tiêu hồng và 20ha chuối tây hồng mới đưa vào trồng đã đứng vững, trung bình mỗi năm cho thu nhập không dưới 160-200 triệu đồng/hécta/năm.
 
Người dân Trung Châu rất bức xúc khi đất bị bỏ hoang.

Mong mỏi của chính quyền và nhân dân xã Trung Châu là vậy nhưng Công ty Bình Minh lại thờ ơ chậm triển khai dự án và làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng thiếu kiểm tra, đôn đốc việc này. Chỉ khi Báo Hànộimới số ra ngày 23-7-2012 phản ánh sự việc, UBND TP Hà Nội chỉ đạo và Sở Tài nguyên và Môi trường vào kiểm tra mới phát hiện Công ty Bình Minh chưa kê khai, nộp tiền thuê đất trên diện tích 87,4ha. Số diện tích còn lại, Công ty làm nghĩa vụ trong trường hợp "bắt buộc" do năm 2012, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và đầu tư xây dựng Việt Hoa khai thác chồng lấn 12,6ha đất bãi Tân Bồi giao cho Công ty Bình Minh quản lý sử dụng. Giải quyết vụ việc này, Công ty Bình Minh đã ký hợp đồng bán 235.000m3 cát đen cho Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và đầu tư xây dựng Việt Hoa tại bãi cát thuộc xã Trung Châu với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước phí môi trường và thuế tài nguyên khai thác cát trên diện tích 12,6ha vào ngày 23-8-2012.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có công văn số 962/BC-STNMT-TTg ngày 19-9-2012 khẳng định, Công ty Bình Minh chưa tích cực triển khai dự án tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, đồng thời đề nghị UBND TP yêu cầu Công ty Bình Minh thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất đối với diện tích 87,4ha tại xã Trung Châu để khai thác vật liệu xây dựng và các khoản nghĩa vụ khác theo quy định trong quý I-2013 và sửa chữa, cải tạo đường vào bãi khai thác cát tại xã Trung Châu để sớm triển khai dự án khai thác cát lộ thiên tại bãi nổi sông Hồng chậm nhất vào quý III-2013. Nếu hết quý III-2013, Công ty vẫn không triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ thu hồi 87,4ha đất. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Công ty Bình Minh để làm rõ vụ việc, song công ty viện lý do lãnh đạo đang nằm viện và hẹn chờ!

Trước những bức xúc của người dân và chính quyền xã Trung Châu, đề nghị thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu Công ty Bình Minh không đủ khả năng và không chấp hành đúng quy định thì cần sớm thu hồi, tránh tình trạng "ôm" dự án cả trăm hécta đất rồi bỏ hoang…

Dự án Chung cư CT2 Cổ Nhuế - Không gian xanh giữa lòng Hà Nội

Nằm trong quần thể khu ĐTM Cổ Nhuế, dự án Chung cư CT2 Cổ Nhuế dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, hứa hẹn mang lại một cuộc sống mới đầy tiện ích, một không gian xanh mơ ước giữa lòng Hà Nội.

Chung cư CT2 Cổ Nhuế nằm trong quần thể khu ĐTM Cổ Nhuế cùng với chung cư CT1 đã bàn giao nhà và chung cư CT3 sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Khu ĐTM Cổ Nhuế được quy hoạch đồng bộ với tổng diện tích 17,6ha. Đây là khu đô thị có vị trí khá thuận lợi nằm ở phía Tây trung tâm TP Hà Nội, phía Đông và Đông Bắc giáp với khu dân cư xã Cổ Nhuế, phía Tây sát cạnh đường Phạm Văn Đồng (tuyến đường cao tốc Thăng Long đi Nội Bài). Bao quanh khu ĐTM Cổ Nhuế là 3 tuyến đường lớn Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và đường 69. Hệ thống đường trong khu vực này phần lớn được xây mới hoàn toàn nên đáp ứng nhu cầu giao thông của một khu ĐTM hiện đại.
 

Quần thể khu ĐTM Cổ Nhuế là hệ thống hoàn hảo các tiện ích với diện tích hơn 2,7 ha bao gồm: khu trường học, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh, khu thể dục thể thao, siêu thị nhà hàng... Siêu thị Metro, công viên Hoà Bình cũng chỉ cách nơi đây trong vòng bán kính 2km, dễ dàng di chuyển để vui chơi và mua sắm.
Hiện chung cư CT2 Cổ Nhuế  đã xây xong 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và đang tiếp tục thi công. Đây là công trình nhà ở kết hợp với Trung tâm thương mại và dịch vụ cao 21 tầng, ngoài không gian xanh xung quanh tòa nhà còn được thừa hưởng chuỗi công viên cây xanh rộng lớn. Diện tích các căn hộ: 70m2 – 116m2 với 2 PN đến 3 PN ( DT: <100m2 – 2PN, DT >100m2, 2 PN). Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào cuối năm 2014.

Dự án được thực hiện với chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC. Là chủ đầu tư của các dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng khu chung cư Cao tầng tại quận 9, Tp.HCM; dự án KĐT sinh thái Cửu Long tại Lương Sơn - Hoà Bình; dự án cao ốc văn phòng tại 19 Phạm Ngọc Thạch, Tp.HCM; dự án tổ hợp thương mại và nhà ở cao tầng tại Km 17 Quốc Lộ 32 - Đan Phượng - Hà Nội… Đây cũng là nhà thầu cho các dự án của tập đoàn Nam Cường.

Với vị trí đắc địa, giá bán hấp dẫn, chủ đầu tư uy tín, chuyên nghiệp, chung cư CT2  Cổ Nhuế  đang là lựa chọn thích hợp cho các khách hàng có nhu cầu mua ở và đầu tư.

Nhiều khách hàng "khóc ròng" vì tin chủ đầu tư

Gom góp tiền để mua nhà ở nhưng giấy tờ nhà bị cầm cố trong ngân hàng hoặc căn nhà đã bị bán lại cho người khác trong khi chính quyền không thể can thiệp.

Trên địa bàn huyện Hóc Môn, Tp.HCM đang xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xây nhiều căn nhà chỉ bằng một giấy phép, không làm thủ tục hoàn công, sau đó bán cho người mua bằng giấy tay để thu lợi. Ðiều đáng nói là rất nhiều "đầu nậu" sau khi bán nhà bằng giấy tay cho người mua, lại tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng khu nhà đất cho người khác. Thậm chí có "đầu nậu" mang giấy tờ nhà đã bán thế chấp ngân hàng để vay tiền.
 
Khu nhà của bà Loan, ông Ðược đã bán nhưng toàn bộ giấy tờ nhà đất đang bị ông Ðược "cắm" trong ngân hàng
Hứa một đằng, làm một nẻo
Trong cơn mưa chiều tầm tã, chúng tôi tìm đến khu nhà hơn 4 căn nằm trong hẻm thuộc ấp 3, xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn do ông Huỳnh Công Ðược và bà Huỳnh Thanh Loan tách thửa xây cất và bán cho các hộ dân. Chị L.T.A, một trong những người mua nhà, buồn bã nói: "Em nhìn đi, căn nhà nhỏ chỉ 20 m2, lên 1 gác giả, bán với giá 260 triệu đồng. Ðây không phải là số tiền nhỏ với người có thu nhập thấp như chúng tôi. Sắp tới không biết sẽ ra sao nếu vợ chồng ông Ðược không chuộc được giấy tờ nhà từ ngân hàng!".
Theo chị A., lúc bán nhà, ông Ðược trưng đầy đủ giấy tờ khu đất, cả giấy phép xây dựng và hứa sẽ ra công chứng, tách thửa chuyển quyền sở hữu cho từng người mua nên ai cũng yên tâm, thậm chí mừng thầm vì mua được căn nhà vừa túi tiền. Thế nhưng, chờ mãi không thấy chủ đất thực hiện lời hứa, các hộ dân đến hỏi thì ông Ðược viện đủ lý do, khất hẹn. Khi người mua khiếu nại đến UBND xã Ðông Thạnh thì mới biết toàn bộ giấy tờ nhà đất của các hộ dân đang nằm trong ngân hàng. "Chúng tôi mua nhà giấy tay bởi nó vừa túi tiền của người thu nhập thấp. Giờ đây, chúng tôi như cá nằm trong rọ, chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán" - chị A. nói.
Cùng cảnh ngộ, 4 hộ dân sống cạnh bên như ngồi trên lửa. Ai cũng ngại tiếp xúc với chúng tôi vì sợ... mích lòng chủ đất. "Còn nước còn tát, chúng tôi rất mong chính quyền có cách can thiệp" - một người mua nhà ở đây hy vọng.
Dở khóc dở cười hơn là hoàn cảnh các hộ dân mua nhà của ông Vũ Văn Hải (ấp 6, xã Ðông Thạnh). Cuối năm 2010, ông Hải xin một giấy phép nhưng xây tới 4 căn nhà để bán, với lời hứa "bán xong căn cuối cùng sẽ giao giấy tờ nhà đất cho các hộ dân". Thế nhưng, ông Hải không thực hiện lời hứa, khi người mua hỏi thì ông cứ ậm ờ. Quá lo lắng, các hộ dân gồm ông T.V.G, ông N.H.P, bà D.T.G và bà Ð.T.X.M viết đơn khiếu nại gửi UBND xã đề nghị can thiệp. Tại buổi hòa giải, ông Hải thừa nhận đã mang giấy tờ nhà cầm cố bên ngoài và cho rằng lúc bán nhà là bán giấy tay, giờ các hộ đòi giấy tờ chính thì phải đưa thêm tiền. Nói vậy nhưng thực tế lại khác bởi ông Hải đã bán tiếp khu nhà đất này cho người khác, có hợp đồng công chứng hẳn hoi, thời điểm mua bán là tháng 10/2011.
Người mua chịu thiệt
Ông Nguyễn Văn Hây, Chủ tịch UBND xã Ðông Thạnh, cho biết đã có nhiều đơn thư khiếu nại gửi đến UBND xã nhờ can thiệp nhưng thực tế xã không thể giải quyết bởi việc mua bán nhà đất bằng giấy tay giữa chủ đầu tư và người mua là sai quy định.
"Ðể tránh những thiệt hại không đáng có, trước khi mua đất, người dân nên đến UBND xã để được hướng dẫn thủ tục cũng như xem quy hoạch cụ thể khu đất. Những người không có khả năng mua nhà diện tích lớn thì có thể 2 - 3 người mua chung một khu đất và đồng sở hữu, vừa an tâm vừa hợp pháp"- ông Hây nói.
Theo ông Lê Tuấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, người mua không nên tin lời mật ngọt của chủ đầu tư, việc mua bán giấy tay là sai quy định, nếu phát hiện và đủ chứng cứ, cả người mua và chủ đầu tư đều bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, hầu hết người mua đều chịu thiệt.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM, cho rằng không nên mua những căn nhà như trên bởi sau khi bán hết nhà, đất, những chủ đất, chủ công trình đứng tên trên giấy phép xây dựng sẽ bỏ đi nơi khác nên khi xảy ra sự cố thì những người mua chịu thiệt. Ngoài ra, người mua khó có thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bởi chủ đầu tư chưa hoàn công. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư cố ý xây dựng sai nội dung giấy phép nên theo quy định thì căn nhà đó sẽ không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn công.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người mua có thể khởi kiện ra TAND có thẩm quyền, yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán giấy tay vô hiệu để buộc chủ đầu tư bồi hoàn. Việc này được quy định tại điều 137 Bộ Luật Dân sự 2005.

Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 2/9 đến 7/9

Bất động sản trượt giá, M&A tiếp tục sôi động; Hiệu ứng Lê Hoàng Châu khiến nhiều chuyên gia, nhà báo nhầm lẫn; Những phát ngôn "hâm nóng" thị trường bất động sản... là một số tin tức đáng chú ý của thị trường BĐS trong tuần đầu tháng 9/2013.

>>   Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 19/8 đến 24/8 /Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 12/8 đến 17/8
Tin tức nổi bật

- Bất động sản trượt giá, M&A tiếp tục sôi động: Không chỉ rục rịch mua bán, thời gian gần đây nhiều chủ đầu tư liên tiếp công bố chuyển nhượng dự án. Các chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới vì khi bất động sản trượt giá là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư chuyên “săn” dự án.

Sau những thương vụ đình đám của các đại gia bất động sản như Vingroup chuyển nhượng Vincom Center A Tp.HCM, Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố bán bớt các dự án bất động sản để tập trung vào các dự án chủ lực,… gần đây thị trường bất động sản lại “dậy sóng” khi nhiều doanh nghiệp muốn chuyển nhượng lại dự án.
Ảnh minh họa
- Mắc bệnh hoành tráng, Đất Xanh tiềm ẩn nhiều rủi ro: So với các doanh nghiệp bất động sản khác, Công ty CP DV & XD Địa ốc Đất Xanh (Đất Xanh) có một số vốn khá khiêm tốn nhưng lại có đến hàng chục công ty con và công ty liên doanh liên kết. Không chỉ có vậy, mới đây Đất Xanh còn công bố đầu tư vào dự án Sunview Town với tổng đầu tư lên đến gần 1.400 tỷ đồng. Hiện tượng này ví von Đất Xanh nhà nghèo lại đông con, thích hoành tráng, tiêu hoang dẫn đến những rủi ro khó lường.

Hiệu ứng Lê Hoàng Châu khiến nhiều chuyên gia, nhà báo nhầm lẫn: Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM hồi tháng 3/2013 đã gây ra một cơn sốt trong dư luận. Mới đây, một lần nữa chủ đề liên quan đến thuế tiền gửi tiết kiệm trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng gây ra một cơn sốt tương tự.

Tuy nhiên, khác với lần trước, đã có một sự nhầm lẫn đáng tiếc của không ít chuyên gia, nhà báo và cả những tờ báo lớn. Có lẽ đây là hiệu ứng để lại từ phát ngôn của ông Lê Hoàng Châu trước đó.

Tháo gỡ bất cập chính sách người nước ngoài mua nhà hỗ trợ BĐS: Quy định về quyền sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, là một bước đột phá trong chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm ăn, đầu tư, kinh doanh trong nước, gắn kết họ với quê hương đất nước.

Tuy nhiên, quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các đối tượng này còn hạn chế, trình tự thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng còn nhiều khó khăn nên dẫn đến thực tế là hiện nay, số lượng người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam rất ít.

- Những phát ngôn “hâm nóng” thị trường BĐS: Trước những biến động trên thị trường bất động sản thời gian qua, nhiều chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã có nhiều nhận định trái chiều. Những đánh giá, phân tích của các nhà chuyên môn đã phản ánh được phần nào cốt lỗi của những tồn tại và bất cập hiện nay của nhà đất Việt Nam

Dự án BĐS nổi bật

- Khởi công dự án nhà xã hội tại Quảng Ninh: Sáng 06/09, Công ty CP Gốm màu Hoàng Hà (thuộc Tập đoàn Hoàng Hà) đã khởi công dự án khu nhà ở an sinh xã hội và nhà ở công nhân tại cụm công nghiệp Kim Sen, xã Kim Sơn huyện Đông Triều.

Dự án được xây dựng trên tổng diện tích trên 91.000 m2, trong đó, diện tích đất ở chiếm hơn 40.000 m2 với 371 căn hộ liền kề và 122 căn hộ chung cư, mỗi căn hộ có diện tích từ 36 - 68m2, giá bán căn hộ dự kiến khoảng 8 triệu đồng/m2.
Ảnh minh họa
- Mở bán 44 căn nhà liền kề Xuân Phương Viglacera: Công ty Đất Xanh Miền Bắc cùng Viglacera Land vừa mở bán 44 căn liền kề thuộc khu đô thị Xuân Phương Viglacera với giá từ 3,5 tỷ đồng/căn (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài, đã có VAT).

Các căn nhà liền kề chào bán có diện tích từ 74,3 – 115m2, hiện một số căn nhà đã được xây dựng và hoàn thiện, khách hàng có thể nhận bàn giao nhà từ cuối năm 2013 đến quý II-2014.

- Bàn giao EHome 3 Tây Sài Gòn: Công ty CPĐT Nam Long đã tiến hành bàn giao giai đoạn 1 dự án EHome 3 Tây Sài Gòn gồm 331 căn hộ, sớm 1 tháng so với dự kiến. Cũng trong dịp này, Nam Long đã tiến hành khởi công giai đoạn 2 gồm 752 căn hộ.

- Chào bán căn hộ Discovery Complex: Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy và Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5 đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền dự án Discovery Complex tại khu nhà mẫu dự án, 302 Cầu Giấy, Hà Nội.

Được xây dựng trên tổng diện tích hơn 10.000 m2, tổ hợp TTTM - căn hộ cao cấp - văn phòng cho thuê Discovery Complex gồm 3 tòa tháp. Trong đó, 2 tòa tháp đôi là trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, 1 tòa tháp căn hộ cao 54 tầng gồm 500 căn hộ cao cấp có diện tích từ 87 - 185,5m2 được chào bán với giá từ 27 triệu đồng/m2.

- Mở bán Mui Ne Cactus: Hôm nay (7/9), Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh Tây Nam và Công ty CP Đầu tư Phát triển LEO sẽ chính thức mở bán dự án Mui Ne Cactus thuộc phường Phú Hài, Tp.Phan Thiết, Bình Thuận.

Được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,5ha tại mặt tiền đường Nguyễn Thông, Mui Ne Cactus bao gồm 33 căn biệt thự hướng biển (mỗi nền biệt thự có diện tích từ 400 – 700m2) và khu khách sạn tiêu chuẩn 5 sao.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Việc sửa Luật Đất đai “không thể kéo dài mãi”!

Bên cạnh dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ là nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra trong hai ngày 25 và 26/9/2013.

Nhấn mạnh rằng kỳ họp thứ 6 là lần thứ ba Quốc hội xem xét dự án Luật Đất đai, trong khi các dự án khác thường chỉ kéo dài hai kỳ họp, Chủ tịch yêu cầu hội nghị chuyên trách “phải thông” được những nội dung quan trọng.

Theo kế hoạch về hội nghị này, 180 vị tham dự sẽ gồm cả các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Ủyban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Đây được coi là bước đệm quan trọng để có thể thông qua dự án luật, mà nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “rất không bình thường”, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội dự kiến sẽ bắt đầu từ 21/10 tới đây.

Chiều 12/9 vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu chỉ chọn 5 - 7 nội dung quan trọng để “cùng nhau xem xét lần nữa cho chắc chắn, tạo đồng thuận cao” tại hội nghị đại biểu chuyên trách.

Nhấn mạnh rằng kỳ họp thứ 6 là lần thứ ba Quốc hội xem xét dự án luật này, trong khi các dự án khác thường chỉ kéo dài hai kỳ họp, Chủ tịch yêu cầu hội nghị chuyên trách “phải thông” được những nội dung quan trọng. "Như vậy là được khoảng 130 người rồi, thêm Thường vụ mình ngồi đấy nữa", ông nói.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng không giấu được lo lắng với số phận của dự án luật vốn rất long đong này.

Bởi, ở kỳ họp Quối hội thứ 5 diễn ra giữa năm nay, chỉ trước giờ biểu quyết khoảng hai ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về phương án lùi thời điểm nhấn nút đến kỳ họp sau và nhận được sự đồng thuận của đa số.

Nhiều nội dung quan trọng khác cũng đã được xin ý kiến các vị đại biểu ngay từ lúc đó. Và, kết quả được thể hiện tại dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy sự tán thành cao với quy định tại dự thảo luật.

Đáng chú ý là, một số nội dung được sự quan tâm đặc biệt của cả cử tri và đại biểu Quốc hội, đáp án cũng khá rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, 370 đại biểu đồng ý với quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu", 18 vị không đồng ý.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật mới nhất của Chính phủ được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu thêm về đa sở hữu đất đai; xem xét quy định đất ở, đất vườn ao thuộc sở hữu tư nhân; Quốc hội nên cho lấy phiếu biểu quyết hoặc trưng cầu dân ý về vấn đề đa sở hữu để thể hiện ý chí của toàn dân.

Theo cơ quan soạn thảo, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam và là thành quả cách mạng to lớn của nhân dân ta. Quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến nhân dân khẳng định và đồng tình với chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai là phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta. Do đó, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Với quy định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội, kết quả xin ý kiến cho thấy có 265 đại biểu đồng ý, 109 đại biểu không đồng ý.

Đề nghị Quốc hội cho giữ quy định thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội như trong dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã tách các trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội mà không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thành điều mới và giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị phải quy định cụ thể hơn để tránh tùy tiện, như cấp nào thì được quyết định thu hồi đến mức nào và tránh trùng với thu hồi vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Bên cạnh hai vấn đề lớn nói trên, các nội dung liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất... tại dự thảo luật cũng nhận được tỷ lệ tán thành khá cao.

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn dặn cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu thêm ý kiến đóng góp, rà lại thật đầy đủ để tới đây trình Quốc hội “có đầu có đũa” chứ không phải là giải trình tiếp thu bình thường, để Quốc hội đọc và suy nghĩ thêm.

Bởi theo sự nhấn mạnh của Chủ tịch thì đây là "dự án luật rất quan trọng, là tư liệu sản xuất, sinh sống, làm mồ làm mả khi qua đời nhưng đất đai lại không sinh ra, mà chỉ từ thế hệ này đến hệ khác nối nhau, nên nó điều chỉnh các mối quan hệ mang tính chính trị, nếu chúng ta giải quyết tốt thì ổn cho xã hội. Lâu nay khiếu tố tham nhũng tiêu cực cũng từ cái đất đai này, nó liên quan thiết thực đến đời sống của dân và sự ổn định chính trị kinh tế xã hội của đất nước".

Vì thế, theo Chủ tịch, kỳ họp Quốc hội tới phải “quyết tâm thông qua chứ không thể kéo dài mãi!”.

Anh: Giá trị đất nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới

Theo nguồn số liệu mới đây từ Bộ Nông nghiệp Anh, tốc độ phát triển giá trị đất nông nghiệp tăng liên tục và trong quý II vừa qua giá trị tăng 2.1%.

Từ báo cáo của Chesterton Humberts, ảnh hưởng nghiêm trọng về thời tiết cùng quy định cho vay nghiêm ngặt hơn đã khiến cho người nông dân phải xem xét lại chiến lược của mình.

Cuộc khảo sát mới được tiến hành gần đây của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thấy: Giá trị đất nông nghiệp tăng đang khích lệ người nông dân nghĩ lại phương thức hoạt động kinh doanh, một số còn có ý định sẽ bán hết đất nông nghiệp.
 

Theo dự tính, giá đất sẽ tiếp tục tăng và giá trị đất nông nghiệp sẽ tăng thêm 5%/ năm trong vòng 5 năm tới. Chỉ số đất nông nghiệp của Chesterton Humberts đạt mức tăng trưởng trung bình/ mẫu là 2.1% trong quý II, đạt giá trị 10.523 bảng Anh vào cuối tháng 6.

Tuy nhiên,sản lượng nông nghiệp giảm do lượng mua trung bình cao hơn và tổng thu nhập từ nông nghiệp (TIFF) giảm 14%.

Nguồn thu thì giảm còn chi phí lại tăng cao, ngành nông nghiệp tiếp tục dành sự tin tưởng cao từ sự hỗ trợ của ngân hàng. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới đây nhất của Chesterton Humbert đã nêu rõ vấn đề rằng nhiều người vay đang xem xét chất lượng các sổ vay nợ, đặc biệt là xem xét dịch vụ vay nợ sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhiều nông trại. Theo số liệu được đã được điều chỉnh từ Ngân hàng Anh cho hay thị trường cho vay lãi có xu hướng giảm ngay từ đầu năm.

Ông David Hebditch- chủ tịch Chesterton Humberts cho hay: “Hiện nay người nông dân phải chịu thêm áp lực khi một số ngân hàng đang tìm hiểu khả năng trả nợ của người dân. Điều này có thể khiến nhiều nông dân bán hết đất trong khi giá trị đất vẫn còn cao và tại thêm cơ hội cho các nhà đầu tư đang tiếp cận thị trường không thành công.”
 

Điều chỉnh giảm nghĩa vụ thu tiền sử dụng đất

Trên địa bàn Tp.HCM, hàng ngàn hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của người dân hiện vẫn tồn đọng tại Cục Thuế Tp.HCM do phải nộp TSDĐ theo giá trị trường cho phần vượt hạn mức đất ở nên không thể thực hiện thủ tục chuyển mục đích hay hợp thức hóa để được cấp giấy chứng nhận…

Để giải quyết những vướng mắc trên, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung NĐ 120/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thu TSDĐ và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2013.

Đóng TSDĐ theo 2 mốc thời gian

Bộ Tài chính cho rằng, cách tính TSDĐ theo quy định tại NĐ 120/2010 của Chính phủ là phù hợp với chính sách chung về đất đai và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số quy định về thu TSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân chưa thực sự thống nhất giữa những trường hợp sử dụng đất qua từng thời điểm thay đổi chính sách đất đai nên cần phải có một số điều chỉnh. Trong khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi NĐ 120/2010 nhằm khắc phục những tồn tại này.

Thực tế cho thấy, tại 2 TP lớn như Hà Nội, Tp.HCM, giá đất thị trường cao gấp nhiều lần giá đất do UBND TP quy định khiến mức thu TSDĐ đối với diện tích đất ngoài hạn mức giao đất ở rất cao. Cụ thể tại Tp.HCM, có khoảng 4.500 trường hợp không nộp tiền sử dụng đất do bất cập này mặc dù UBND Tp.HCM cũng đã ban hành Quyết định 27/2013 quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để tính TSDĐ (hệ số K) đối với phần đất vượt hạn mức. Tuy nhiên, hệ số K được quy định tại QĐ 27 của UBND TP từ 1 - 1,5 lần bảng giá đất hàng năm cũng chỉ tháo gỡ một phần. Một số quận, huyện vùng ven thường có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất quá lớn nên TSDĐ vượt hạn mức được tính theo hệ số K này rất cao, có nhiều trường hợp lên đến cả tỷ đồng. Chính vì thế, thời gian qua tại Tp.HCM, hàng trăm trường hợp người dân xin rút lại hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất vì không đủ điều kiện để đóng TSDĐ. Bộ Tài chính cũng nhìn nhận rằng, chính những bất cập trên dẫn đến tình trạng một số hộ gia đình, cá nhân không đủ khả năng tài chính để nộp TSDĐ, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, kéo theo việc cấp GCN không đúng tiến độ đề ra.
Vướng cách tính tiền sử dụng đất vượt hạn mức, nhiều khu đất tại quận Tân Bình chưa được cấp giấy chứng nhận
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi bổ sung giá đất tính để thu TSDĐ khi cấp GCN, chuyển mục đích sử dụng đất theo 2 mốc thời gian. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ từ ngày 1/1/2005 đến trước ngày 1/3/2011 (ngày NĐ 120 có hiệu lực) sẽ nộp TSDĐ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Trường hợp nộp hồ sơ từ sau ngày 1/3/2011 thì giá đất thu TSDĐ được tính theo bảng giá đất đối với diện tích đất trong hạn mức. Còn đối với diện tích đất vượt ngoài hạn mức sử dụng, giá đất để tính thu TSDĐ sẽ được xác định bằng giá đất theo bảng giá đất nhân với hệ số K.

Vẫn giữ hạn mức sử dụng đất

Theo Bộ Tài chính, hệ số K do các tỉnh ban hành và dao động từ 1,1 - 1,5 lần so với giá đất tại bảng giá đất. Một số TP lớn trước đây có quy định hệ số điều chỉnh giá đất cao tới 3 - 4 lần bảng giá để thu TSDĐ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức nay đã điều chỉnh giảm xuống còn dưới 2 lần bảng giá. Chính vì thế, những đề xuất trên sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong việc tính TSDĐ hiện nay để có thể đẩy nhanh tiến độ cấp GCN cho người dân. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi bổ sung giá đất tính thu TSDĐ theo hướng ưu đãi thu theo giá thấp đối với diện tích đất trong hạn mức; đối với trường hợp tách hộ cũng được áp dụng giá đất tại bảng giá đất do UBND TP, tỉnh ban hành để thu nghĩa vụ tài chính.

Trong quá trình góp ý cho dự thảo, Bộ TN-MT đề xuất thu TSDĐ khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân nên sử dụng thống nhất theo bảng giá đất, áp dụng chung cho cả diện tích trong và ngoài hạn mức giao đất ở. Tuy nhiên, vì lo ngại mất cân đối thu chi ngân sách nhà nước (vì thu TSDĐ theo bảng giá đất nhưng khi thu hồi đất phải đền bù theo giá thị trường), dễ dẫn đến khiếu kiện của những người đã nộp TSDĐ vượt hạn mức theo giá cao trước ngày 1/3/2011 nên Bộ Tài chính không đồng tình. Theo Bộ Tài chính, Nhà nước chỉ ưu đãi TSDĐ trong hạn mức giao đất ở theo bảng giá đất trên tinh thần hỗ trợ người dân có đất xây dựng nhà ở, diện tích đất vượt hạn mức phải chịu nghĩa vụ cao hơn; lập luận này nhằm đảm bảo sự công bằng cho những người đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính vượt hạn mức trước đây khi xin cấp GCN.