Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Tranh chấp tại các chung cư: Đâu vẫn hoàn đấy!

Những tranh chấp kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư, nhà quản lý là do các quy định văn bản hướng dẫn thi hành hay các khái niệm và một loạt hệ thống quản lý, quy chế điều hành chung cư còn nhiều bất cập.

Đau đầu cơ quan quản lý
Tòa nhà chung cư cao cấp Golden Westlake đi vào vận hành từ lâu nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính là vụ việc tranh chấp, khiếu nại về sở hữu tầng hầm và phí trông giữ xe giữa cư dân và chủ đầu tư dự án là Công ty Hà Việt Tung Shing kéo dài suốt mấy năm qua.
Dù đây là những vụ việc dân sự nhưng căng thẳng đến mức Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã nhiều lần giải quyết, có văn bản hướng dẫn nhưng vụ việc vẫn kéo dài. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có kết luận vụ tranh chấp tại chung cư này giữa chủ đầu tư và cư dân. Theo đó, UBND thành phố khẳng định đồng ý với kết luận của Thanh tra thành phố từ 5/7/2013.
Tranh chấp chủ đầu tư, kiện cáo, dự án, tòa nhà, chung cư, khu đô thị, kiện chủ đầu tư
Theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, việc ban hành văn bản của Sở Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý sử dụng phí trông giữ xe tại tầng hầm toà nhà Golden Westlake trái thẩm quyền, vi phạm Luật Nhà ở là không có cơ sở.
Việc Sở Tài Chính xác định các khoản chi phí điện năng, chi phí khấu hao thiết bị tầng hầm, phí đỗ xe ô tô bao gồm cả thuế VAT và việc thẩm định phí trông giữ xe ô tô tại tầng hầm 151 Thuỵ Khuê không phải thông qua Ban đại diện khu dân cư là đúng quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Thành phố, từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing thực hiện dự án xây dựng chung cư cao cấp Golden Westlake 151 Thuỵ Khuê. Kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte VN xác định giá vốn của căn hộ chung cư bán ra đã hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp không bao gồm chi phí xây dựng tầng hầm. Hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và người mua nhà xác định rõ khu vực tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Cách đây không lâu, tòa nhà chung cư Keangnam vừa đi vào hoạt động đã nảy sinh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Đỉnh điểm của sự việc là ban quản lý cắt thang máy của cư dân, người dân thì căng băng rôn khẩu hiệu phản đối và tố cáo ban quản lý. Ngay khi sinh cơ quan chức năng vào cuộc, những tranh chấp đã dần được giải quyết nhưng tới nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự hài lòng về phí dịch vụ của tòa nhà. 
Hàng loạt các chung cư cao cấp khác như The Manor, Sky City Láng Hạ, Pacific Lý Thường Kiệt cũng đã nảy sinh hàng loạt tranh chấp.
Lỗi từ nhiều phía
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ tranh chấp ở chung cư chủ yếu là quy định của pháp luật không rõ ràng và không hợp lý, do đó không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sỡ hữu chung diện tích để xe.
“Người sử dụng nhà thường đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, nhưng lại chỉ muốn nộp phí thấp. Ngược lại, chủ đầu tư thì luôn muốn thu nhiều, nhưng lại rất tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, khi thấy không được thỏa mãn, hai bên đã diễn ra tranh chấp”, ông Đức nói.
Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan đến tranh chấp chung cư được ban hành khá đầy đủ (tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp liên quan đến diện tích chung - riêng; phí quản lý và bảo trì; chất lượng công trình và bảo hành…), nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Khiếu nại, các nghị định, thông tư hướng dẫn...
Theo Luật sư Lê Minh Toàn, một trong những lý do khiến tranh chấp chung cư kéo dài là tình trạng phối hợp và giải quyết của các cơ quan chức năng (UBND các cấp, Tòa án) còn kéo dài, gây bức xúc cho các bên tranh chấp mỗi khi có tranh chấp xảy ra. Nhiều kết luận của các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND các cấp trong việc giải quyết còn nhiều điểm chưa chính xác, không khách quan, thậm chí không đúng luật, khiến cho mâu thuẫn càng thêm trầm trọng. 
Do đó, việc nghiên cứu ban hành thống nhất một quy định pháp lý về quản lý chung cư sao cho dễ hiểu, dễ thực thi, để tránh sự chồng chéo, hoặc quy định rải rác trong các văn bản hiện nay là điều cần được tính đến trong việc luật hóa một lĩnh vực dễ bùng phát mâu thuẫn hiện nay.
Theo phản ánh của đại diện nhiều ban quản trị chung cư, mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP nhưng các văn bản này chỉ hướng dẫn thực hiện mà không có chế tài khi chủ đầu tư không thực hiện những quy định của luật. 
Để giải quyết các tranh chấp ở chung cư, ông Đức kiến nghị, cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng và cam kết của chủ đầu tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc bắt buộc chủ đầu tư phải bàn giao quyền quản lý chung cư theo đúng quy định của pháp luật.
Những vụ lùm xùm này xảy ra ở các chung cư này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân mà còn khiến cho người dân và những người đang có nhu cầu mua chung cư mất hết lòng tin vào loại hình nhà ở này và nó cũng khiến cho các cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.
(Theo Vietnamnet) 

Cách "tháo hàng" có một không hai của các chủ đầu tư

Để giải phóng lượng hàng tồn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung hàng loạt chiêu lạ trong các đợt chào bán sản phẩm cuối năm.

Từng nổi tiếng với những vụ khiếu kiện của hàng trăm khách hàng trong suốt 2 năm qua, Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) của chủ đầu tư Văn Phú Invest mới đây lại gây ồn ào với chiêu bán hàng có cam kết mức phạt chậm tiến độ.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20% giá trị hợp đồng, nếu chậm bàn giao nhà so với cam kết trong hợp đồng.
Giới đầu tư cho rằng, đây chỉ là chiêu PR bán hàng để đẩy lượng hàng tồn doanh nghiệp không thể bán được trong 2 năm qua, do thị trường đi xuống và thường xuyên bị khách hàng khiếu nại đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, với mức giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi dự án đã xong phần xây thô, nên căn hộ Văn Phú Victoria vẫn thu hút được sự quan tâm của không ít khách có nhu cầu về nhà ở thực.
Cũng là một dự án khá nổi tiếng vì thuộc phân khúc nhà giá rẻ. Song việc bán hàng gặp khó khăn đã khiến CTCP Đầu tư Hải Phát phải bán sỉ trên 200 căn hộ Chung cư CT2A - Khu đô thị Tân Tây Đô cho CenGroup.
Dự án Văn Phú Victoria quận Hà Đông đã xong phần xây thô
Và ngay trong đợt mở bán đầu tiên, CenGroup đã giao dịch thanh công gần 100 căn hộ. Để thu hút khách mua nhà trong đợt mở bán lần 2 sắp tới, CenGroup tiếp tục triển khai chương trình tặng vàng cho khách mua nhà, đồng thời hỗ trợ khách hàng vay vốn đến 70% giá trị hợp đồng trong 15 năm, với lãi suất 8%/năm trong 6 tháng đầu.
Nếu chỉ xét về mức hỗ trợ vay vốn, rõ ràng những khách hàng của CenGroup sẽ không tránh khỏi thất vọng.
Bởi mức lãi suất hỗ trợ của công ty này đưa ra còn cao hơn so với mức hỗ trợ lãi suất do CTCP Hải Phát, chủ đầu tư dự án đưa ra trước đó là 6%/năm. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại giá bán kèm theo các chương trình khuyến mại, căn hộ CT2A Tân Tây Đô vẫn nằm trong “tầm ngắm” của không ít khách hàng.
Không chỉ giám giá bán, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để bán được hàng, dường như càng về cuối năm, các chủ đầu tư càng tung ra những chương trình ưu đãi, khuyến mãi lạ.
Chẳng hạn mới đây, thay vì giảm giá, chủ đầu tư Dự án Watermark trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) đã bán nhà với cam kết sẽ trả lợi tức cho khách hàng ngay từ khi bàn giao căn hộ, lên đến 14% tổng giá trị căn hộ, bất chấp chủ dự án có cho thuê được nhà hay không.
Tập đoàn Nam Cường cũng vừa cho biết sẽ miễn 6 tháng phí dịch vụ và áp dụng mức phí lâu dài với giá 3.000 đồng/m2 tại hàng loạt block chung cư tại Dự án Khu đô thị Dương Nội và Dự án Chung cư Cổ Nhuế. Trong đó, tại Chung cư Cổ Nhuế, Nam Cường vẫn đang tiếp tục mở bán các căn hộ.
Cũng với hình thức này, Vingroup đưa ra gói hỗ trợ miễn 10 năm phí dịch vụ, bên cạnh việc gia tăng thêm nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí ngay tại các khu đô thị đang trong quá trình bàn giao…
Chưa thể đánh giá được những hiệu quả cụ thể của mỗi chương trình chủ đầu tư áp dụng. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc giảm giá bán, gia tăng tiện ích và các hỗ trợ khác của chủ đầu tư ít nhiều sẽ thu hút khách hàng mua nhà trong những tháng cuối năm.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hàng loạt dự án căn hộ tại Hà Nội đang có kế hoạch bán hàng trong tháng 11 với nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Cụ thể, Dự án SkyView Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) được chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Mỹ An dự kiến mở bán vào khoảng giữa tháng 11 với giá từ 22 - 24 triệu đồng/m2; Dự án Golden West của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) cũng sẽ mở bán trong tháng 11 với giá từ 22 triệu đồng/m2…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, tồn kho bất động sản tính đến tháng 9/2013 là 101.889 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng (khoảng 4%) so với tháng 8 và giảm  26.660 tỷ đồng (khoảng 20,7%) so với tháng 3/2013. Tại Hà Nội, tính đến tháng 7, lượng bất động sản tồn kho đã giảm 2.573 tỷ đồng (khoảng 15%) so với tháng trước đó. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc giảm lượng hàng tồn kho là do doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại giá bán và có các chính sách khuyến mãi… giúp giá bán trên thực tế giảm đáng kể.

Phòng ngừa sự cố công trình xây dựng: Cần giải pháp đồng bộ

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng ở các cấp độ khác nhau, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng-Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Sự cố công trình xây dựng-Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.
Còn nhiều bất cập về chất lượng công trình xây dựng
Công trình Crescent Mall Shoping (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) đang xây dựng bất ngờ đổ sập
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít sự cố ngay trong giai đoạn thi công xây dựng công trình, gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình là các sự cố sập sàn kho bê tông cốt thép trong lúc đổ bê tông tại nhà máy giấy LEE&MAN (Hậu Giang); sập đổ hoàn toàn hệ dầm sàn mái khi đang đổ bê tông công trình nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm (Thái Nguyên); vỡ đập tràn Thủy điện Đắk Mek 3, vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai); sập đổ tháp anten Trung tâm Kỹ thuật-Phát thanh truyền hình tỉnh Nam Định, tháp antenna phát sóng của VOV tại TP Đồng Hới (Quảng Bình)…
Đặc biệt, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng gây bức xúc trong dư luận xã hội như tình trạng trồi sụt, bong tróc mặt đường Đại lộ Đông Tây, mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương...
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dù chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản đảm bảo, ngày càng được nâng cao và được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng (CLCTXD) ở các cấp độ khác nhau, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục một cách nghiêm túc và thấu đáo.
Đó là vấn đề đảm bảo an toàn cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện; an toàn của các công trình kết cấu dạng tháp; an toàn cho hệ thống dàn giáo trong thi công xây dựng công trình; chất lượng các công trình giao thông bị xuống cấp nhanh sau thời gian khai thác, sử dụng và vấn đề an toàn phòng chống cháy cho công trình...
Ngoài ra, vấn đề an toàn cho công trình dân dụng trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của gió bão, việc xem xét lại các thông số về điều kiện tự nhiên do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH)… cũng là vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm.
Cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả 
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Trước những yêu cầu của thực tế, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng. Điều này nhằm mục địch đảm bảo CLCTXD, giảm thiểu sự cố công trình, đảm bảo phòng ngừa và khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố trong xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD cho biết: CLCTXD là vấn đề quan trọng trong hoạt động xây dựng cần được tất cả các tổ chức, cá nhân, tập thể tham gia tăng cường quản lý.
Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý CLCTXD đã tương đối đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện đã có những yếu tố mới, bất cập và cần phải được sửa đổi. Việc sửa đổi đó sẽ giúp tăng cường công tác quản lý CLCTXD ngày một tốt hơn, thiết thực hơn.
Cũng theo ông Quang, trong những năm gần đây do sự BĐKH, tác động của thiên nhiên vượt quá giới hạn quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ, nên các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cũng cần phải rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm, như tham luận: “Sự cố đối với công trình tháp viễn tông tự đứng-thực trạng và giải pháp phòng ngừa” của TS. Nguyễn Đại Minh, Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng; “An toàn cháy trong công trình nhà-một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thi công” của ông Hoàng Anh Giang-Trưởng Phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện KHCN Xây dựng; “Những nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe và giải pháp nâng cao chất lượng mặt đường bê tông nhựa”, “Sự cố trong xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ-nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” của đại diện Bộ Xây dựng.

Đồng Nai bỏ quy hoạch 2 cụm công nghiệp ở TP Biên Hòa

UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vừa quyết định bỏ quy hoạch hai cụm công nghiệp gỗ Tân Hòa (P. Tân Hòa) và cụm công nghiệp Tam Phước 1 (xã Tam Phước).

Lí do hủy bỏ quy hoạch, theo UBND TP. Biên Hòa, cụm công nghiệp gỗ Tân Hòa được quy hoạch trên 39 ha từ năm 2002 nhưng ở vị trí quy hoạch đã có doanh nghiệp tự sản xuất, chuyển nhượng đất nên việc sắp xếp rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ở khu vực này cũng không đồng thuận.
Riêng cụm công nghiệp Tam Phước 1 được quy hoạch 57 ha nhưng có tám doanh nghiệp hoạt động sản xuất chiếm diện tích trên 48 ha, không còn để bố trí cho các doanh nghiệp khác. Diện tích đất dành cho hệ thống giao thông cũng đã hết nên quy hoạch cụm công nghiệp bị phá vỡ, phải loại bỏ khỏi quy hoạch.

Ả Rập Xê-út: Thị trường nhà ở vẫn nóng trong 5 năm tới

Trong vòng 5 năm nữa, Ả Rập Xê-út cần rất nhiều nhà ở, các công ty xây dựng đang có những cơ hội tuyệt vời trong một đất nước tăng trưởng nhanh cả về dân số lẫn thu nhập bình quân.

Ông Youssef Al-Shelash, Chủ tịch Công ty phát triển BĐS Dar Al-Arkan cho biết: “Số liệu chính thức đề cập đến nhu cầu 1,25 triệu đơn vị nhà từ năm 2010 đến 2014 và chắc chắn thị trường đang không cung cấp đủ, dẫn đến giá nhà tăng cao. Nguồn cung nhà ở vẫn thấp hơn nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới là 4 triệu đơn vị nhà.”
Ảnh: Dự án Shams Al-Arous tại Jeddah của công ty Dar Al-Arkan.
Vấn đề thiếu hụt nhà ở tại Ả Rập Xê-út là một ví dụ về biến dạng thị trường có thể xuất hiện tại quốc gia giàu có này. Khoảng 60% dân số Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đang ở nhà thuê, một tỷ lệ thấp thậm chí khi so sánh với các nước đang phát triển.
Các công ty xây dựng trong nước đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, một phần vì tài chính ngân hàng hạn chế cho các nhà thầu và người mua nhà, trong khi các công ty nước ngoài lại không thể bước chân vào ngành BĐS.
Để giảm căng thẳng xã hội, Quốc vương Abdulla trong năm 2011 đã công bố chương trình 67 tỷ USD để xây dựng 500.000 ngôi nhà trong vài năm. Nhưng chương trình bị trì trệ do thủ tục giấy tờ rườm rà và quá trình giải tỏa đất đai phức tạp.
Các công ty xây dựng ở nước này đã phải đối mặt trước áp lực tăng giá trong năm 2013 do chính phủ, nhằm thúc đẩy việc làm cho người dân đã đàn áp thẳng tay việc thuê nhân công nước ngoài rẻ hơn mà không đăng ký.
Theo ông Shelash, tính cạnh tranh yếu trong thị trường BĐS nhà ở sẽ khiến thị trường rất hấp dẫn trong ít nhất 5 năm nữa. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư Trung Đông, ông nói: “Nhu cầu nhà ở là một thách thức lớn cho Ả Rập Xê-út.”

Tp.HCM: Một số dự án thu quá tiền thuế của khách


Theo quy định, khi bán căn hộ, chủ đầu tư chỉ được thu hộ thuế GTGT 10% trên giá trị xây dựng, trừ phần đất. Tuy nhiên, thực tế phần lớn chủ đầu tư đều thu 10% trên tổng giá trị hợp đồng, tức tính luôn cả phần đất.







Bảng giá bán căn hộ dự án Ehome 3 của Công ty Nam Long thể hiện mức thuế VAT 10% tính trên tổng giá trị căn hộ - Ảnh: Đình Sơn


Thu lố tiền thuế



Phản ánh với Thanh Niên, bà Thủy - chủ một căn hộ tại chung cư 4S - Riverside Garden (Q.Thủ Đức) do


Khách hàng có thể kiện

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng Luật sư Trường, trong mọi trường hợp, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán căn hộ cho khách hàng có trách nhiệm phải xác định rõ phần nào là giá đất, phần nào là phần hạ tầng xây dựng để thu hộ thuế GTGT khi xuất hóa đơn cho khách hàng. Hiện các doanh nghiệp vẫn cố tình lập lờ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Những người mua nhà gặp phải trường hợp như vậy có thể khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả phần đã nộp dư. Một luật sư khác cho biết người dân có thể kiện chủ đầu tư ra Tòa Dân sự, yêu cầu hoàn trả số tiền thuế thu lố và lãi suất theo quy định.


Công ty TNHH xây dựng Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư - cho biết: Năm 2010, bà mua căn hộ diện tích 86,59 m2 với giá hơn 888 triệu đồng, chưa bao gồm thuế GTGT. Hiện bà đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, cộng với 10% thuế GTGT hơn 88 triệu đồng.

Theo bà Thủy, chủ đầu tư đã thu lố tiền thuế GTGT vì trong hóa đơn ghi rõ giá trị quyền sử dụng đất là hơn 146 triệu đồng, giá bán nhà chỉ hơn 742 triệu đồng. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được thu thuế GTGT trên giá bán nhà, phải trừ phần đất ra. “Theo luật, tôi chỉ phải đóng thuế GTGT hơn 74,2 triệu đồng nhưng công ty đã thu của tôi đến hơn 88 triệu đồng, thu lố của tôi hơn 14 triệu đồng. Trước đây, công ty đã hứa sẽ trả lại cho tôi số tiền này nhưng mới đây họ lại từ chối”, bà Thủy bức xúc nói.

Theo tính toán của ông Đỗ Quốc Thắng, Trưởng ban Quản trị chung cư 4S - Riverside Garden, với 280 căn hộ, tính bình quân chủ đầu tư thu lố 15 triệu đồng/căn hộ, số tiền chủ đầu tư dự án 4S - Riverside Garden thu sai quy định của khách hàng ở đây tới trên 4 tỉ đồng. Hiện một số khách hàng đã gửi đơn khởi kiện đến TAND Q.3 buộc chủ đầu tư trả lại tiền.

Trong vai khách hàng đi mua nhà, chúng tôi đã đến dự án Ehome 3 (Q.Bình Tân) do Công ty CP đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư và được nhân viên môi giới cung cấp bảng giá bán căn hộ, trong đó chủ đầu tư cũng thu thuế GTGT 10% trên tổng giá trị căn hộ. Tại nhiều dự án khác trên địa bàn TP.HCM chủ đầu tư đều thu 10% thuế GTGT trên tổng giá trị căn hộ như vậy. Lãnh đạo một công ty bất động sản thừa nhận, lâu nay 99% chủ đầu tư dự án đều tính thuế GTGT 10% trên tổng giá trị hợp đồng, chứ không hề trừ phần đất ra.

Yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền

Theo thông tin từ Chi cục Thuế Q.3, mặc dù Công ty Thành Trường Lộc thu 10% thuế GTGT nhưng khi xuất hóa đơn cho khách hàng thì lại làm đúng quy định khi tách doanh thu chịu thuế GTGT (phần xây dựng) và doanh thu không chịu thuế (chuyển quyền sử dụng đất). Công ty này cũng nộp phần thuế GTGT theo đúng luật. “Việc công ty này thu thừa tiền thuế GTGT của khách hàng và có làm cam kết đối với khách hàng sẽ hoàn trả số tiền thừa là cam kết dân sự, cơ quan thuế không có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết, khách hàng có thể khởi kiện”, một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.3 cho biết.

Bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Tp.HCM, cho biết khoản 9, điều 7 Thông tư số 06 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về giá tính thuế GTGT “đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế GTGT”. Thuế suất đã thống nhất khi xuất hóa đơn và doanh nghiệp phải kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước đúng tờ khai doanh nghiệp đã khai. Việc chiếm dụng tiền thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế.

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Với chính sách bồi thường phải đảm bảo tạo lập được nơi ở mới, cuộc sống người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo sự phấn khởi cho nhiều người. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình tái định cư (TĐC) ở nhiều nơi chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Chỉ 30% trường hợp ở nơi TĐC
Theo kết quả khảo sát của HĐND TP về đời sống người dân sau TĐC giai đoạn 2007 - 2012, chỉ có khoảng 30% người dân ở nơi TĐC, còn lại khoảng 70% là người dân phải tự lo nơi ở mới.
Quận 8 có 77.627 căn nhà, trong đó có 15.970 căn nhà lụp xụp cần phải di dời, giải tỏa để chỉnh trang; 9.503 hộ sống ven và trên kênh rạch. Những hộ dân này thường có rất ít hoặc không có giấy tờ hợp lệ về nhà đất, việc chuyển nhượng được thực hiện nhiều lần qua nhiều đối tượng, diện tích nhà - đất phát sinh qua từng thời điểm có nguồn gốc tạo lập chưa rõ ràng nên việc xác minh nguồn gốc pháp lý thường kéo dài và rất phức tạp. Chính vì vậy, khi áp dụng quy định hiện hành để áp giá bồi thường, hỗ trợ thì những hộ này chỉ được hỗ trợ với số tiền rất ít hoặc không được bồi thường và không được TĐC. Do vậy, những hộ dân này sau khi chuyển đến nơi ở mới lại càng khó khăn hơn.
Chung cư tái định cư 4 tầng An Phú - An Khánh, Tp.HCM
Đối với các hộ dân ở quận 8 được chuyển tới chung cư An Sương, quận 12, thì khó khăn gặp phải là địa điểm TĐC này quá xa so với nơi ở cũ, trong khi với hầu hết người dân, việc học tập và việc làm của họ vẫn còn ở quận 8. Bên cạnh đó, tại nơi ở mới thu nhập của nhiều người TĐC không cao bằng nơi ở cũ khiến tâm lý của họ bất ổn, do đó dễ dẫn đến việc bán nhà TĐC để định cư tại các vùng ven.
Tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền nhưng hiện nay người dân vẫn còn khó khăn về nơi buôn bán, vì hình thức buôn bán của người dân nơi đây chủ yếu là nhỏ lẻ, trong đó nhiều người bán hàng rong.
Ở quận Phú Nhuận, có 18 hộ đã giải tỏa toàn bộ, nhưng chỉ có 2 hộ vào ở căn hộ TĐC, còn lại chọn phương thức nhận tiền tự lo nơi ở mới. Còn ở quận Thủ Đức có 17 dự án, trong đó có nhiều công trình trọng điểm như dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi; dự án Nút giao thông Gò Dưa, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội… Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng trong dự án là 3.428 hộ, đa số bị giải tỏa một phần, 1.129 trường hợp bị giải tỏa trắng. Đối với trường hợp được bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư, số hộ dân vào ở chiếm khoảng 27%, có tới 73% hộ dân chuyển nhượng hoặc ủy quyền cho người khác sử dụng.
Nhiều vướng mắc
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, việc bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư chỉ phù hợp đối với một số đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và những người có thu nhập ổn định. Những hộ dân là lao động tự do, buôn bán nhỏ thì gặp nhiều khó khăn khi ở chung cư vì không có mặt bằng để kinh doanh. Các trường hợp được bố trí TĐC bằng nền đất cũng cho rằng khu TĐC chỉ để ở, chỉ thuận lợi trong việc sinh hoạt chứ không thuận lợi trong việc buôn bán kinh doanh tạo thu nhập ổn định. Ngoài ra, các hộ dân tại khu căn hộ TĐC phản ánh việc các phí dịch vụ còn quá cao, việc chuyển đổi việc làm và tiếp cận đến các cơ sở học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp được bồi thường hỗ trợ không đủ để mua nền đất hoặc căn hộ TĐC, phải vay thêm để mua, nên phải trả lãi hàng tháng, do vậy một số người dân chậm trả nợ ngân hàng.
Tại các cuộc họp với đoàn giám sát HĐND TP, đại diện phần lớn các quận, huyện đều không nắm rõ việc người dân tự tìm nơi ở mới sau khi được bồi thường TĐC. Khi người dân đến nơi khác sinh sống thì thường mua đất, mua nhà bằng giấy tay vì điều kiện kinh tế khó khăn, do đó khi những hộ này bị vướng vào chỉnh trang đô thị lần 2 sẽ không được bồi thường. Những khu như vậy, về lâu dài sẽ là gánh nặng của nhà nước vì phải chăm lo đời sống cho những hộ nghèo. Có một số hộ dân ở quận Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định nên được thưởng tiền, nhưng họ đã chuyển đi và số tiền này, chính quyền địa phương cũng không biết cách nào để chuyển cho họ.
Còn tại chung cư Lý Chiêu Hoàng (phục vụ dự án Nâng cấp đô thị thành phần 2), do chất lượng chưa tốt nên bị người dân phản ánh. Các chung cư Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây cũng xuống cấp, khiến các hộ TĐC ở đây gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Địa điểm chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh khá xa nơi ở cũ, là trở ngại lớn khi vận động người dân đến TĐC tại đây.
Các dự án triển khai thực hiện trong thời gian qua đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nâng cao bộ mặt mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Việc TĐC đã góp phần giải quyết bài toán quy hoạch đô thị, phân bố lại dân cư và phát triển hạ tầng ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác TĐC còn tồn tại không ít vướng mắc cần sớm giải quyết để đạt hiệu quả cao hơn.

Nhà thu nhập thấp Đặng Xá tiếp tục nhận hồ sơ

Tư sau khi chính thức mở bán đến nay, dự án Nhà ở cho người có thu nhập thấp NO5 Đặng Xá đã có hơn 400 hồ sơ đăng ký mua nhà.

Chủ đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục nhận hồ sơ mua căn hộ dự án Khu nhà ở thu nhập thấp NO5 Đặng Xá Viglacera. Dự án mới khởi công được hơn một tháng, đến nay đã hình thành và xây dựng gần xong phần thô.
Khi mua căn hộ tại dự án Nhà ở cho người TNT NO5 Đặng Xá khách hàng còn được hưởng gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ. Theo đó, khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm với mức lãi suất không vượt quá 6%/năm, khách hàng có thể thế chấp tài sản chính bằng căn hộ vừa mua.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Xây dựng đường bê tông “vì dân phục vụ” đầu tiên tại quận 2

(SGGPO).- Sáng ngày 27-9, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 2 đã khởi công xây dựng đường bê tông và hệ thống thoát nước tại con đường số 19 tại Khu phố 2 phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2 với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng (ảnh).
Hiện nay, con đường đất đá có chiều dài gần 500m này luôn bị ngập khi mưa, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt của khoảng 100 hộ dân đang sinh sống trong khu vực này. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên trong 13 tuyến đường bê tông hóa “vì dân phục vụ” nhằm xóa đường đất đá trên địa bàn quận 2 trong năm 2013. Số tiền trên do cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận 2 đóng góp ngày lương để xây dựng nhằm nâng cao môi trường và chất lượng sống của người dân.
Ông Mai Văn Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết, việc xây dựng đường bê tông sẽ được Công ty thực hiện dưới sự giám sát cộng đồng của người dân, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 tháng để đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phục vụ bà con trước Tết Nguyên đán 2014.

Hạnh Nhung

Muôn nẻo thợ hồ

(Cadn.com.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng đang trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Theo đó, nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều khu dân cư hình thành... khiến Đà Nẵng như một đại công trường xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là hàng vạn thợ hồ.
Muôn người theo một nghiệp
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, những năm qua đã có hàng nghìn công trình xây dựng được các cơ quan chức năng cấp phép trên địa bàn. Trong đó nhiều công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng, mang tầm chiến lược lâu dài như tòa nhà Trung tâm hành chính TP, Bệnh viện Ung thư, các hội sở ngân hàng, khách sạn, resot, nhà dân... và cần một lượng đáng kể lao động. Anh Hữu, một chủ thầu xây dựng tại Liên Chiểu cho hay, mỗi năm anh thường nhận từ 10 đến 20 công trình xây mới, phần lớn là xây nhà ở, nhà trọ. Ngoài ra còn có thêm những công trình tu sửa, nâng cấp. Trung bình mỗi căn nhà từ khi đổ móng đến lúc hoàn thiện thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng, vì vậy lúc nào tổ thợ của anh cũng phải duy trì từ 15 đến 30 người, và dường như không bao giờ hết việc.
Trên mỗi công trình xây dựng tại Đà Nẵng, không khó để nhận ra một phần của xã hội được thu nhỏ tại nơi này. Có rất nhiều người lao động khác nhau về độ tuổi, ngành nghề, quan hệ xã hội, vùng miền cùng làm chung trên một công trường. Phần lớn thợ hồ tại Đà thành chủ yếu xuất thân từ nông dân tại các vùng nông thôn ngoại thành Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, có người nhân lúc mùa vụ nông nhàn theo các chủ thầu vốn là bà con thân thích, hàng xóm láng giềng kiếm thêm thu nhập, song chiếm phần đông vẫn là thợ chuyên nghiệp. Cũng có người từng là nông dân tại các vùng nông thôn vừa được quy hoạch, hết ruộng đất, trở thành những thị dân bất đắc dĩ, không nghề nghiệp ổn định... nên chọn thợ hồ làm kế mưu sinh. Số ít trong họ có những học sinh, sinh viên, và cả giáo viên, tranh thủ những ngày hè đi làm thợ hoặc phụ hồ; những em bé tuổi mới mười ba, mười bốn bỏ dở giấc mơ đến trường bám theo cha, chú, anh chị cùng quê ra phố làm bạn với xi-măng, gạch, cát...
Không có trang phục bảo hộ lao động cho những người thợ hồ.
Nhìn những chàng thanh niên nước da rám nắng, mồ hôi nhễ nhại xúc từng xẻng hồ lớn lên giàn giáo cao hơn 2m, tại khu 532 (Q. Liên Chiểu) anh Hữu thở dài: "Chỗ anh tuyển phụ hồ toàn trình độ Đại học...". Như biết lỡ lời, anh lại  phân trần: "Toàn sinh viên vừa ra trường, không xin được việc làm, thất nghiệp, thôi em à. Thằng em đó học cầu đường của Bách khoa, thằng em kia học khoa Văn trường Sư phạm, thằng kia học kế toán của bên Kinh tế...".
Có thể thấy rằng, thợ hồ đang bỗng chốc trở thành ngành "hot" tại Đà thành. Nó không chỉ giải quyết được nạn thất nghiệp đang "thịnh" tại tất cả những thành phố lớn, mà còn đang tích cực góp phần hàng ngày xây dựng nên diện mạo của thành phố. Tuy nhiên, đằng sau những niềm tự hào mang tính an ủi đó,  những người thợ hồ phải trả những cái giá nhiều hơn sức lao động.  Quanh năm long đong theo những công trình, nay đây mai đó, ăn ở tạm bợ, người thợ hồ đang phải đánh đổi sức lực, mồ hôi, thậm chí là hơn thế...
Nghề của những chuyến đi xa
Dường như đã là cái tiền định, ít ai chọn nghiệp thợ hồ mà không phải xa nhà, bởi phụ thuộc vào chủ thầu, mà chủ thầu thì sẵn sàng "nhận" bất kỳ công trình nào, dù xa tới đâu. "Cái nghề này cũng giống như nghề đi biển vậy, phải xa nhà mới mong có công việc để làm, thế nên họ gọi đây là nghề của những chuyến đi xa", ông Chín Sơn, một thợ hồ đã có thâm niên hơn 20 năm, chia sẻ. Nhà ở tại Thăng Bình (Quảng Nam), cứ sau mỗi vụ cày cấy hoặc thu hoạch đồng ruộng, ông lại tay thước, tay bay lên đường ra Đà Nẵng. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài hàng tháng trời, chỉ khi gia đình có việc quan trọng ông mới về. Ông kể, một thời ông theo cánh thợ hồ Hòa Xuân, Khuê Trung sang Lào, ra Quảng Ninh, lên Lạng Sơn, về Hà Nội... Muốn thăm nhà, mỗi chuyến đi về có thể chi phí lên tới cả... mười ngày công! Giờ tuổi cao, ông chỉ đủ sức làm ở những công trình gần. Nhóm thợ của ông vừa làm xong một công trình tại Liên Chiểu, nay tiếp tục một công trình khác tại Cẩm Lệ.
Nghề thợ hồ tại Đà Nẵng quanh năm không ngớt việc. Khi nhận một công trình nào đó, việc đầu tiên của họ là dựng những chiếc lán trại tạm bợ để làm nơi ăn ngủ. Tiếp theo là chọn một địa chỉ cơm hộp vừa túi tiền, hợp khẩu vị... Trong không khí sum họp của cả nhóm thợ mỗi buổi đêm về, có lẽ người thợ xa nhà cũng vơi bớt được chút nào những nỗi niềm riêng...
Trên công trường không chỉ đổ mồ hôi
 Có thể nói, sự vất vả, khổ cực của nghề thợ hồ không còn là chuyện lạ đối với những ai từng chọn nó làm nghiệp mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà các Cục Thống kê Lao động đã xếp nghề xây dựng vào nhóm 10 nghề nguy hiểm và độc hại nhất thế giới. Chứng kiến một ngày công lao động của những người thợ hồ trên công trường, mới thấy hết nỗi khổ cực và nguy hiểm dành cho họ. Không đồ bảo hộ lao động, không chế độ bảo hiểm thân thể hay bảo hiểm y tế, những người thợ hồ hàng ngày phơi nắng phơi mưa trên những công trình xây dựng, làm bạn với vôi vữa, hít thở bụi xi- măng và gạch, cát. Cường, một phụ hồ đang làm việc tại Thanh Khê tâm sự: "Đâu chỉ có độc hại, mỗi năm nghề này cũng... "cống" cho Diêm Vương  mấy chục sinh mạng. Không ai thống kê, chủ yếu là giấu nhẹm, mê tín mà...".
 Những nguy hiểm bất ngờ luôn rình rập những người thợ hồ như sập giàn giáo, gạch đá rơi, gãy trụ chống, dẫm phải đinh hay cọc nhọn... Không ai muốn tai nạn xảy ra, từ những thợ, phụ, chủ thầu cho đến những chủ công trình. Nhưng, để hạn chế tai nạn, ít ai chịu khó trang bị bảo hộ cho thợ và công trình, trừ những công ty xây dựng lớn. Đặc biệt, với những thợ hồ, sau khi lưng mỏi, chân run, họ "về hưu" mà không có một thứ gì "bảo hiểm" cho cuộc sống về sau, mà chỉ dựa vào sự trả ơn của con cái, thế hệ mà những thợ hồ hầu như dành trọn một đời nghề để "đầu tư" cơm áo, học phí, tình yêu và cả niềm hy vọng...

Lại sập nhà ở Mumbai (Ấn Độ), hàng chục người bị chôn vùi

Tin Nóng) Lúc 6 giờ sáng nay 27.9, một tòa nhà 5 tầng bất ngờ sập đổ ở thành phố Mumbai, Ấn Độ; chôn vùi hơn 60 người bên trong. Tin mới nhất cho biết đã có 2 người chết.


Hiện trường căn nhà 5 tầng sập lúc sáng 27.9, chôn vùi hàng chục người - Ảnh: AFP
Tòa nhà này nằm gần chợ Babugenu, và cũng gần bến cảng.
Các đội cứu hộ, cứu hỏa và cứu thương đã đổ đến hiện trường, cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. 
Hiện tại mới có 14 người được cứu từ đống đổ nát.
Tòa nhà này đã cũ kỹ và chưa được nâng cấp sửa chữa.
Đây là vụ sập nhà lần nghiêm trọng thứ hai trong năm nay tại Mumbai. Hồi tháng 6, một vụ sập nhà ở khu vực Mahim đã làm chết 10 người.

Ấn Độ thường xảy ra các vụ sập nhà do hạ tầng quá cũ kỹ - Ảnh: Indian Express
Tin Nóng

Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu đất số 3 phố Lê Trọng Tấn

afeLand – UBND Hà nội vừa ban hành Quyết định số 5626/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất xây dựng công trình tại số 03 phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân.
Theo quy hoạch trước đây, khu đất số 03 phố Lê Trọng Tấn nằm trong ô quy hoạch có ký hiệu số 16 được xác định chức năng đất công cộng thành phố với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho cả ô quy hoạch như sau: mật độ xây dựng 50%, tầng cao trung bình 2,5 tầng.
Nay điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại ô đất này từ chức năng đất công cộng sang xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp, công cộng: dịch vụ thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, nhà trẻ và cây xanh với các chỉ tiêu như sau:
Diện tích đất xây dựng khoảng 4.717,3m2, tổng diện tích sàn xây dựng 60.346m2, công trình gồm 24 tầng nổi và 2 tầng hầm, chiều cao tối đa 97m, quy mô dân số khoảng 1.080 người.
Dự án do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư.
N.Đăng

Hà Nội: Triển khai hàng loạt công trình hạ tầng giao thông khung

(HNMO) – Tin từ Sở GTVT cho biết, trong thời gian tới Sở đang tập trung đầu tư hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông khung.
Đó là triển khai các dự án giao thông quan trọng như hợp phần Vành đai 2 thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, đường Văn Cao – Hồ Tây, đường Kim Mã – Trần Phú; Tập trung triển khai xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Kim Mã (nút Daewoo), hoàn thành thông xe vào đầu tháng 10/2013.
 
Cầu vượt Daewoo sắp được thông xe vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10.
Cầu vượt Daewoo sắp được thông xe vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Bên cạnh đó là xây dựng các cầu trong nhóm 34 cầu yếu vượt sông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương: cầu Hậu Xá, Ba Thá, Mỗ Lao, Ngọc Hồi, Từ Châu, Gốm, Đầm Mơ, Thuần Lương, Yên Trình, cầu Zét…

Mặt khác là xây dựng 15 cầu đi bộ (7 cầu đang triển khai và 8 cầu xây dựng mới); cầu vượt cho người đi bộ số 2 tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long; nghiên cứu xây dựng cầu vượt cho người đi bộ và xe máy qua đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (khu vực xã Quang Minh).

Ngoài ra, Sở GTVT còn đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT và các quận, huyện, thị xã, triển khai các công trình giao thông do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn Hà Nội như: dự án Nội Bài – Lào Cai, dự án đường Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh…

Tiếp đó là các dự án giao thông trọng điểm như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – ga Hà Nội, đường Vành đai I, Vành đai II, đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù...

Tuy còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai (liên quan đến giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư…) nhưng những dự án trên khi hoàn thành sẽ hình thành hệ thống đường vành đai, hướng tâm và kết nối liên thông theo mạng, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn trong mạng lưới giao thông, đường sắt đô thị, hạ tầng xe buýt, bến bãi đỗ xe… tốt hơn cho Hà Nội.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đích danh ba nhà thầu “có vấn đề”

Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có công văn chỉ đích danh 3 nhà thầu “có vấn đề”, đồng thời nhắc nhỏ các đơn vị trong ngành phải “lưu ý” khi xem xét năng lực của các nhà thầu này trong quá trình đấu thầu tới đây.
Cụ thể, bộ này đã có thông báo số 656/BGTVT-TTr gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục, các ban quản lý dự án, các sở giao thông vận tải; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long về việc “xem xét đánh giá năng lực một số đơn vị khi tham gia đấu thầu”.

Theo văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án “lưu ý thận trọng xem xét đánh giá năng lực của các công ty: Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng công trình 623 và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội số 44 khi tham gia đấu thầu các dự án trong ngành giao thông vận tải”.

Trước đó, Kết luận thanh tra số 6677/KL-BGTVT ngày 9/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc thanh tra công tác quản lý, thực hiện các dự án Mỹ An - Cao Lãnh, cầu Đầm Cùng, dự án qua thị xã Đồng Xoài do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư đã phát hiện nhiều “lỗi” từ các nhà thầu này.

Động thái này cho thấy quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải trong việc chấn chỉnh kỷ cương trong việc triển khai các gói thầu về giao thông. Dù văn bản của bộ không khẳng định điều gì, tuy nhiên với văn bản trên, ba nhà thầu nói trên cũng sẽ bị “lưu ý” khi tham gia các dự án trong ngành giao thông.

Trong ba nhà thầu bị nêu tên, đáng chú ý là trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, một nhà thầu đang tham gia nhiều dự án giao thông quan trọng khắp cả nước như Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, Dự án đường cao tốc Cầu Rẽ - Ninh Bình, Dự án đường cao tốc nối Cầu Nhật Tân - Sân bay Nội Bài, Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3, 3B, 279, 31…

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc điều hành dự án của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Hải, đã bị đình chỉ chức vụ vì liên quan đến việc triển khai dự án Quốc lộ 14.

Ban quản lý dự án cũng yêu cầu thay 4 kỹ sư thuộc một đơn vị tư vấn giám sát công trình của Cuba, phê bình hai doanh nghiệp nhà thầu và yêu cầu thay hàng loạt cán bộ tại các gói thầu mà hai đơn vị này thi công trên quốc lộ 14.

Cuối năm 2011, ngành giao thông cũng từng xôn xao với việc Ban quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã loại 5 nhà thầu phụ theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải do thi công không đảm bảo tiến độ ra khỏi dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Giảm giá "sốc" có kéo được người mua?

Liệu người mua nhà có sẵn sàng mở hầu bao khi vừa qua rất nhiều dự án giảm giá, thậm chí một số dự án còn tuyên bố giảm giá sốc tới 50%?

BĐS hạ mình

Để hâm nóng thị trường địa ốc nguội lạnh trong suốt thời gian qua, doanh nghiệp đã tung ra không ít những “chiêu độc” từ hỗ trợ mua nhà lãi suất thấp, khuyến mại khủng, mua nhà tặng quà đến ở thử…nhưng vẫn chưa đủ sức để kích cầu thị trường.

Làn sóng giảm giá lan rộng trên tất cả các phân khúc thậm chí nhiều dự án căn hộ cao cấp cũng “hạ mình”. Mạnh mẽ nhất phải kể đến thị trường TP Hồ Chí Minh. Mới đây nhất là động thái giảm giá cực “sốc” gần 50% của hai đại gia bất động sản trên thị trường Tp.HCM từ dự án Sunrise City của Tập đoàn Novaland và dự án The EverRich3 của Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt.
Mạch giảm giá len lỏi vào thị trường BĐS trong suốt thời gian qua
Tại Hà Nội, mạch giảm giá cũng len lỏi vào thị trường trong suốt thời gian qua. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý II-2013 của một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội thì tất cả các loại căn hộ thuộc các phân khúc đều giảm mạnh so với thời điểm quý I-2011, đặc biệt là phân khúc chung cư trung cấp. Trong đó, quận Hà Đông là nơi có giá giảm mạnh nhất với 33%, tiếp đến là huyện Từ Liêm giảm 30%, Đống Đa 23%.

Khảo sát trên những dự án “vàng” một thời giá cũng đua nhau lao dốc. Như tại KĐT Dương Nội có thời điểm giá biệt thự lên tới 65 – 70 triệu đồng/m2 nay giảm chỉ còn 30 – 40 triệu đồng/m2, KĐT Mỹ Đình II giá giao động từ 100 – 120 triệu đồng/m2. Chung cư Xa La, Văn Khê cũng đồng loạt giảm 40 – 50% giao dịch ở mức 13 – 25 triệu đồng/m2…

Thắt hầu bao, người mua vẫn chờ

Động thái đại hạ giá của hai đại gia được đánh giá là một tín hiệu tích cực cho thị trường trong thời gian tới. Không chỉ giúp doanh nghiệp tìm được đầu ra cho chính mình tạo được dòng tiền, thanh khoản trong thời gian tới, thị trường còn chờ đợi sự điều chỉnh mốc giá mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, để kích cầu thị trường thì doanh nghiệp nên tiếp tục giảm giá. Đặc biệt khi Hoàng Anh Gia Lai từng tuyên bố có thể giảm giá bán căn hộ 50% mà vẫn có lãi thì người mua càng trở nên dè chừng. Trước phát ngôn gây sốc cùng những con số giảm giá đưa ra trong thời gian qua có người còn cho rằng giá BĐS thậm chí có thể giảm sâu đến 50% so với mức giá hiện nay.
Người mua giờ đây rất tỉnh táo với nhu cầu của mình
Vì vậy, cú sốc mới của thị trường mang tên Novaland và Phát Đạt vẫn chưa phá tan được bầu không khí chờ đợi của người mua. Theo GS. Đặng Hùng Võ: "Mặc dù giá nhà đất giảm song không phải ai cũng sẵn sàng mua, trừ những người có nhu cầu thực sự. Ngay cả khi có nhu cầu thực, khách mua nhà cũng còn phân vân chưa muốn quyết định ngay mà có tâm lý chờ đợi nhà đất tiếp tục giảm giá, bởi hàng tồn kho bất động sản vẫn còn rất nhiều, chủ đầu tư không thể đeo một khối nợ nặng nề mãi”.

Giảm giá giờ đây đã không còn là chuyện gì quá mới. Người mua giờ đây họ rất tỉnh táo với nhu cầu của mình. Nhu cầu của họ là có thật nhưng phải cân đối và hợp lý. Và ở đây người mua vẫn còn đang chờ đợi một sự cân đối thực sự với nhu cầu của họ - Nhân viên một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội cho biết.

Khiếu kiện tăng do luật thiên vị chủ đầu tư

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc tính giá đất không theo thị trường cộng với việc thiên vị chủ đầu tư khiến sự chống đối của người dân ngày càng phức tạp.

Bồi thường thấp, khiếu kiện tăng

Thưa ông, những vụ việc “nóng” liên quan đến vấn đề thu hồi đất thời gian qua có nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chính là do vấn đề tính giá đất. Khi người bị thu hồi đất thấy giá mà Nhà nước, chủ đầu tư dự án bồi thường cho miếng đất thu hồi của họ thấp hơn giá thị trường, họ sẽ khiếu kiện, khiếu kiện không thành thì có thể làm phát sinh những biểu hiện tiêu cực như chống đối, rồi tấn công lực lượng chức năng, mà vụ việc của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình) là những ví dụ...

Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, trong đó chủ yếu là khiếu kiện về bồi thường khi thu hồi đất luôn chiếm tỷ lệ cao trong các loại hình khiếu kiện và ngày càng có xu hướng gia tăng. Người dân luôn cho rằng mức giá đất mà cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư tính bồi thường thấp hơn giá thị trường, còn cơ quan Nhà nước, chủ đầu tư thì lại cho rằng mức giá đó là phù hợp rồi. Có thể ý kiến người dân chưa đúng, bởi tâm lý người dân luôn muốn giá đất của mình cao hơn, đó cũng là chuyện bình thường, cái đó không đáng trách. Cũng có thể cơ quan quản lý chưa chính xác, bởi cơ quan quản lý nhiều khi vẫn muốn có mức giá thấp hơn thị trường. Khi chúng ta chưa có một bảng giá đất sát với giá thị trường, thì mâu thuẫn và khiếu kiện vẫn tiếp tục.

Vậy theo ông cần phải làm gì để có một bảng giá đất sát với giá thị trường, để giảm mâu thuẫn và khiếu kiện về đất đai?

Làm gì để có mức giá công bằng, đó là câu chuyện đặt ra với người quản lý. Một thực tế là bảng giá đất do cơ quan Nhà nước ban hành chỉ bằng 10 - 80% giá thị trường. Năm 2006, Chính phủ có Nghị định 17/2006 quy định có 3 trường hợp nếu bảng giá đất không phù hợp thị trường, thấp hơn giá thị trường thì phải xác định lại cho phù hợp thị trường, đó là: Nhà nước giao đất có thu tiền, Nhà nước thu hồi đất mà tính toán bồi thường, xác định giá trị đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Vì Chính phủ cũng thấy thực tế các tỉnh quy định giá đất thấp hơn giá thị trường sẽ dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng, trong đó có việc bồi thường thấp hơn thị trường làm cho người dân khiếu kiện.

Khi chúng ta có một giá đất thị trường chuẩn thì mới có cơ sở dữ liệu để xác định, so sánh mức giá đền bù này là phù hợp hay chưa.
Người dân phản ánh nguyện vọng với cán bộ có thẩm quyền trong một dự án thu hồi đất thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội
Quy tắc “số đông đồng thuận, số ít phải theo”

Trong các đợt thu hồi đất đã xảy ra hiện tượng đa số người dân chấp nhận mức đền bù, chỉ một số ít người vẫn chây ỳ và khiếu kiện, vẫn đòi mức giá cao hơn. Trường hợp này, theo ông, đơn vị thu hồi đất có nên “cho thêm một ít” cho xong không?

Tôi đã từng đề xuất phương án đưa ra quy định “số ít phải theo số đông” khi thu hồi đất. Theo đó, nên đưa ra phương án cho cộng đồng của tất cả những người thu hồi đất thảo luận, và có quy định 2/3 đồng ý thì sẽ lấy mức giá này, 1/3 cộng đồng còn lại phải theo. Đã là một mức giá thì người nhận đền bù trước, người nhận sau phải đồng nhất, đừng để xảy ra tình trạng những người gương mẫu phải thiệt thòi. Như vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), quyết định của tỉnh quy định đảng viên phải gương mẫu chấp hành giao nộp đất, và những đảng viên Văn Giang gương mẫu giao đất đầu tiên chỉ được nhận mức đền bù 12 - 13 triệu đồng/sào trong khi những người cuối cùng của đợt thu hồi ấy được nhận đền bù với mức 39 triệu đồng/sào. Cách làm này khiến dân không khiếu kiện, chống đối thì cũng ấm ức, tâm không phục.

Thường các chủ đầu tư - đơn vị thu hồi đất luôn “né” việc thảo luận, bàn bạc với cộng đồng người bị thu hồi đất vì lo ngại “càng bàn càng rách việc”. Về vấn đề này, ông có khuyến nghị gì?

Pháp luật hiện hành có quy định phương án bồi thường tái định cư phải đưa ra thảo luận, để người bị thu hồi đất góp ý, Hội đồng GPMB chuẩn bị phương án này phải giải trình. Nhưng các kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 1/3 dự án là có đưa ra thảo luận với dân. Chủ đầu tư thường “trốn” đoạn này, nhờ vả chính quyền ra mặt tiếp xúc và lắng nghe ý kiến nhân dân, bởi chủ đầu tư lo ngại càng thảo luận thì càng nhiều ý kiến. Đây là việc làm trái pháp luật và mang tính áp đặt, không tạo đồng thuận cho người bị thu hồi đất. Khi đơn vị thu hồi đất trực tiếp lắng nghe ý kiến cộng đồng, rồi có những dẫn chứng, thuyết phục phù hợp, cộng đồng sẽ nghe theo.

Như đợt thu hồi đất “vàng” ở Hàng Bài (Hà Nội), theo giá đất của TP Hà Nội rất thấp, có vị trí dân đòi lên đến 1 tỷ/m2, chủ đầu tư đã kiên trì gặp mặt dân, lắng nghe ý kiến và tìm phương án giải quyết, sau cùng thống nhất với dân mức đền bù 650 -700 triệu/m2. Các cuộc họp lắng nghe ý kiến cộng đồng đều diễn ra rất nhẹ nhàng, điều đó cho thấy thảo luận và trưng cầu ý dân sẽ đi đến kết quả tốt chứ không hề “rách việc”.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lâu dài với người giao đất

Thực tế, sau khi giao đất, rất nhiều người, nhất là nông dân đã bị đảo lộn cuộc sống khi mất nhà đất, mất nghề nghiệp. Vậy theo ông, làm thế nào để ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người giao đất?

Tôi thấy các nước khi thu hồi đất của dân thường để người giao đất còn một phần đất/nhà ở nơi đã giao đất. Chẳng hạn khi thu hồi đất quy hoạch đô thị mới, người giao đất sẽ được nhận một phần tiền đền bù, phần còn lại quy thành đất đô thị kiểu một sào đất nông nghiệp được 36m2 đất đô thị. Khi người dân có đất ở dự án đó thì họ sẽ đồng thuận, chung tay với nhà đầu tư phát triển dự án, không có cảm giác bị mất mát, bị đẩy ra ngoài.

Pháp luật hiện hơi thiên vị nhà đầu tư, chưa có những quy định ràng buộc trách nhiệm lâu dài của nhà đầu tư với người mất đất, mà chỉ có quy định “ưu tiên nhận lao động địa phương”. Dự thảo Luật Đất đai cũng đưa ra quy định phải ưu tiên cho người tái định cư tại chỗ. Luật pháp không nên có chuyện “ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện” mà phải rõ ràng, cụ thể thì mới có sức sống dài lâu.
"Chúng ta nên có những quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai để người giao đất được đảm bảo quyền lợi. Nói chung con người là tốt, nên khi pháp luật có sức sống, đi vào đời sống nhân dân, thì người dân sẽ sống và làm theo pháp luật”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

VP cho thuê: Nhiều dự án "đỏ mắt" tìm khách

Tình trạng dư thừa nguồn cung và thắt chặt chi tiêu của các doanh nghiệp khiến nhiều văn phòng hạng sang ôm nỗi lo phá sản. Dọc các tuyến đường lớn, đâu đó có những tòa nhà bỏ không hoang lạnh, không ít chủ đầu tư sở hữu những tòa văn phòng cao cấp mà ngập nợ nần khó khăn.

>>   Văn phòng cho thuê sẽ khởi sắc vào cuối năm /Hà Nội: Thị trường bán lẻ và văn phòng cho thuê có nguy cơ "vỡ trận"
Đỏ mắt tìm khách

Tòa nhà Sông Hồng Land trên đường Thái Hà (Hà Nội) đang mời chào khách thuê. Với 12 tầng văn phòng, mỗi sàn lên tới 695m2, tòa nhà cung cấp thêm 8.300m2 diện tích cho thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội. Sông Hồng Land cùng với nhiều tòa nhà khác hoàn thành trong quý này gồm VCCI, Ngọc Khánh Plaza, Star Towers, Capital Building, Hồng Hà center... đang có nguy cơ bỏ trống hàng trăm mét vuông diện tích bởi không có khách thuê.

Nhiều tòa nhà đã khai trương cách đây mấy năm như Capital Building ở Trần Hưng Đạo, Viet Tower đường Tây Sơn,... hiện cũng đang treo biển cho thuê. Tại cụm công nghiệp nhỏ và vừa quận Cầu Giấy, rất nhiều tòa văn phòng cho thuê đã hoàn thiện trong tình trạng bỏ trống đợi khách thuê và “cuộc chiến” tìm kiếm và giữ chân khách hàng chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn với giới chủ đầu tư văn phòng cho thuê.
Hiện, áp lực cho các chủ tòa nhà mới hoàn thành ngày càng lớn, họ phải tìm đủ mọi cách để có khách thuê nếu không muốn đi đến ngõ cụt và rơi vào tình trạng ế ẩm, xây xong rồi bỏ không. Trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư “thà tìm kiếm khách thuê giá rẻ lấp đầy còn hơn là để diện tích trống trong tòa nhà của mình”.

Theo khảo sát xu hướng thuê văn phòng của một đơn vị tư vấn, số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng văn phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số đơn vị chuyển văn phòng mới chủ yếu do giá thuê hấp dẫn hơn. Sự dịch chuyển của khách thuê từ tòa nhà này sang tòa nhà khác chính vì thế số diện tích văn phòng cho thuê được không có nhiều thay đổi, tỷ lệ trống vẫn tương đối cao. Nhu cầu về văn phòng cho thuê đã giảm xuống thấp nhấp trong 3 năm qua.

Ông Greg Ohan, Giám đốc mảng văn phòng cho thuê (CBRE VN) cho hay, khách hàng chủ yếu hiện nay là các doanh nghiệp ngành dịch vụ và tiêu dùng và những nhà máy sản xuất chi phí thấp.

Cắt giảm chi phí đang là động lực để các doanh nghiệp di chuyển, thay đổi văn phòng. Tuy nhiên, chỉ có những tòa nhà có vị trí thuận tiện và dịch vụ quản lý tốt mới mong được khách thuê chú ý, vì hiện doanh nghiệp có quá nhiều lựa chọn để mở văn phòng. Những chủ đầu tư không thể cung cấp 2 yếu tố trên sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc cho thuê các diện tích trống, điều này dẫn đến sự cách biệt ngày càng tăng giữa hai nhóm chủ đầu tư.

Còn một thực tế khác mà không mấy chủ đầu tư văn phòng cho thuê thừa nhận là “sức hút” từ các thương hiệu lớn hiện diện trong giai đoạn đầu tìm kiếm khách thuê. Chỉ cần một vài tập đoàn quốc tế đến thuê, lập tức tòa văn phòng cho thuê sẽ được sự chú ý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng để làm được điều đó trong thời điểm này cũng khó như “đãi cát, tìm vàng”

Chưa tới đáy?

Báo cáo thị trường văn phòng cho thuê của CBRE VN cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội vẫn tương tự như những quý trước và thật khó để dự đoán khi nào sẽ chạm đáy. Thậm chí, Hà Nội còn chuẩn bị đón nhận thêm nguồn cung văn phòng mới đạt xấp xỉ 134.000m2 vào 6 tháng cuối năm 2013. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thuê văn phòng cũng đã giảm, tòa nhà văn phòng hạng A giảm 1,5% so với quý trước, hạng B giảm tới 10%. Giá thuê trung bình ở hạng A là 32 USD/m2/tháng, hạng B khoảng 17 USD/m2/tháng.
Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai, mức độ cạnh tranh giữa các chủ đầu tư ngày càng gay gắt bằng việc cung cấp các ưu đãi hấp dẫn để hạn chế diện tích trống trong tòa nhà. Do đó, các khách thuê tiềm năng có ưu thế hơn trong quá trình đàm phán ví dụ như đạt được những ưu đãi về giá thuê, chỗ đỗ xe miễn phí hoặc thời gian miễn phí tiền thuê.

Chưa hết, CBRE dự đoán gần 500.000m2 sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2015-2017. Nguồn cung mới này sẽ tăng gấp đôi nguồn cung hiện tại lên tổng hơn 2 triệu m2 diện tích cho thuê trong thời gian tới.

Còn Savills ước tính đến năm 2015, 54 dự án văn phòng mới cung cấp khoảng 713.000 m2 dự kiến gia nhập thị trường. Đặc biệt, nguồn cung mới tính đến năm 2015 tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây, bao gồm Cầu Giấy và Từ Liêm với tổng nguồn cung xấp xỉ 269.800m2, chiếm 38% nguồn cung mới của toàn thị trường.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, cho biết, “cạnh tranh giữa những tòa nhà văn phòng tiếp tục tăng lên. Trong cuộc “chiến đấu vì chất lượng”, những khách thuê hiện tại vẫn đang tìm kiếm những tòa nhà có giá thuê rẻ mà chất lượng tốt hơn”.

Đại diện CBRE VN nhận định, Hà Nội là một thị trường văn phòng điển hình mà trong đó khách thuê là những người có ưu thế, và không có một dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi trong những tháng còn lại của năm 2013.