Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Tranh chấp tại các chung cư: Đâu vẫn hoàn đấy!

Những tranh chấp kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư, nhà quản lý là do các quy định văn bản hướng dẫn thi hành hay các khái niệm và một loạt hệ thống quản lý, quy chế điều hành chung cư còn nhiều bất cập.

Đau đầu cơ quan quản lý
Tòa nhà chung cư cao cấp Golden Westlake đi vào vận hành từ lâu nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính là vụ việc tranh chấp, khiếu nại về sở hữu tầng hầm và phí trông giữ xe giữa cư dân và chủ đầu tư dự án là Công ty Hà Việt Tung Shing kéo dài suốt mấy năm qua.
Dù đây là những vụ việc dân sự nhưng căng thẳng đến mức Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã nhiều lần giải quyết, có văn bản hướng dẫn nhưng vụ việc vẫn kéo dài. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có kết luận vụ tranh chấp tại chung cư này giữa chủ đầu tư và cư dân. Theo đó, UBND thành phố khẳng định đồng ý với kết luận của Thanh tra thành phố từ 5/7/2013.
Tranh chấp chủ đầu tư, kiện cáo, dự án, tòa nhà, chung cư, khu đô thị, kiện chủ đầu tư
Theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, việc ban hành văn bản của Sở Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý sử dụng phí trông giữ xe tại tầng hầm toà nhà Golden Westlake trái thẩm quyền, vi phạm Luật Nhà ở là không có cơ sở.
Việc Sở Tài Chính xác định các khoản chi phí điện năng, chi phí khấu hao thiết bị tầng hầm, phí đỗ xe ô tô bao gồm cả thuế VAT và việc thẩm định phí trông giữ xe ô tô tại tầng hầm 151 Thuỵ Khuê không phải thông qua Ban đại diện khu dân cư là đúng quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Thành phố, từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing thực hiện dự án xây dựng chung cư cao cấp Golden Westlake 151 Thuỵ Khuê. Kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte VN xác định giá vốn của căn hộ chung cư bán ra đã hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp không bao gồm chi phí xây dựng tầng hầm. Hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và người mua nhà xác định rõ khu vực tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Cách đây không lâu, tòa nhà chung cư Keangnam vừa đi vào hoạt động đã nảy sinh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Đỉnh điểm của sự việc là ban quản lý cắt thang máy của cư dân, người dân thì căng băng rôn khẩu hiệu phản đối và tố cáo ban quản lý. Ngay khi sinh cơ quan chức năng vào cuộc, những tranh chấp đã dần được giải quyết nhưng tới nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự hài lòng về phí dịch vụ của tòa nhà. 
Hàng loạt các chung cư cao cấp khác như The Manor, Sky City Láng Hạ, Pacific Lý Thường Kiệt cũng đã nảy sinh hàng loạt tranh chấp.
Lỗi từ nhiều phía
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ tranh chấp ở chung cư chủ yếu là quy định của pháp luật không rõ ràng và không hợp lý, do đó không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sỡ hữu chung diện tích để xe.
“Người sử dụng nhà thường đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, nhưng lại chỉ muốn nộp phí thấp. Ngược lại, chủ đầu tư thì luôn muốn thu nhiều, nhưng lại rất tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, khi thấy không được thỏa mãn, hai bên đã diễn ra tranh chấp”, ông Đức nói.
Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan đến tranh chấp chung cư được ban hành khá đầy đủ (tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp liên quan đến diện tích chung - riêng; phí quản lý và bảo trì; chất lượng công trình và bảo hành…), nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Khiếu nại, các nghị định, thông tư hướng dẫn...
Theo Luật sư Lê Minh Toàn, một trong những lý do khiến tranh chấp chung cư kéo dài là tình trạng phối hợp và giải quyết của các cơ quan chức năng (UBND các cấp, Tòa án) còn kéo dài, gây bức xúc cho các bên tranh chấp mỗi khi có tranh chấp xảy ra. Nhiều kết luận của các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND các cấp trong việc giải quyết còn nhiều điểm chưa chính xác, không khách quan, thậm chí không đúng luật, khiến cho mâu thuẫn càng thêm trầm trọng. 
Do đó, việc nghiên cứu ban hành thống nhất một quy định pháp lý về quản lý chung cư sao cho dễ hiểu, dễ thực thi, để tránh sự chồng chéo, hoặc quy định rải rác trong các văn bản hiện nay là điều cần được tính đến trong việc luật hóa một lĩnh vực dễ bùng phát mâu thuẫn hiện nay.
Theo phản ánh của đại diện nhiều ban quản trị chung cư, mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP nhưng các văn bản này chỉ hướng dẫn thực hiện mà không có chế tài khi chủ đầu tư không thực hiện những quy định của luật. 
Để giải quyết các tranh chấp ở chung cư, ông Đức kiến nghị, cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng và cam kết của chủ đầu tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc bắt buộc chủ đầu tư phải bàn giao quyền quản lý chung cư theo đúng quy định của pháp luật.
Những vụ lùm xùm này xảy ra ở các chung cư này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân mà còn khiến cho người dân và những người đang có nhu cầu mua chung cư mất hết lòng tin vào loại hình nhà ở này và nó cũng khiến cho các cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.
(Theo Vietnamnet) 

Cách "tháo hàng" có một không hai của các chủ đầu tư

Để giải phóng lượng hàng tồn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung hàng loạt chiêu lạ trong các đợt chào bán sản phẩm cuối năm.

Từng nổi tiếng với những vụ khiếu kiện của hàng trăm khách hàng trong suốt 2 năm qua, Dự án Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) của chủ đầu tư Văn Phú Invest mới đây lại gây ồn ào với chiêu bán hàng có cam kết mức phạt chậm tiến độ.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20% giá trị hợp đồng, nếu chậm bàn giao nhà so với cam kết trong hợp đồng.
Giới đầu tư cho rằng, đây chỉ là chiêu PR bán hàng để đẩy lượng hàng tồn doanh nghiệp không thể bán được trong 2 năm qua, do thị trường đi xuống và thường xuyên bị khách hàng khiếu nại đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, với mức giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi dự án đã xong phần xây thô, nên căn hộ Văn Phú Victoria vẫn thu hút được sự quan tâm của không ít khách có nhu cầu về nhà ở thực.
Cũng là một dự án khá nổi tiếng vì thuộc phân khúc nhà giá rẻ. Song việc bán hàng gặp khó khăn đã khiến CTCP Đầu tư Hải Phát phải bán sỉ trên 200 căn hộ Chung cư CT2A - Khu đô thị Tân Tây Đô cho CenGroup.
Dự án Văn Phú Victoria quận Hà Đông đã xong phần xây thô
Và ngay trong đợt mở bán đầu tiên, CenGroup đã giao dịch thanh công gần 100 căn hộ. Để thu hút khách mua nhà trong đợt mở bán lần 2 sắp tới, CenGroup tiếp tục triển khai chương trình tặng vàng cho khách mua nhà, đồng thời hỗ trợ khách hàng vay vốn đến 70% giá trị hợp đồng trong 15 năm, với lãi suất 8%/năm trong 6 tháng đầu.
Nếu chỉ xét về mức hỗ trợ vay vốn, rõ ràng những khách hàng của CenGroup sẽ không tránh khỏi thất vọng.
Bởi mức lãi suất hỗ trợ của công ty này đưa ra còn cao hơn so với mức hỗ trợ lãi suất do CTCP Hải Phát, chủ đầu tư dự án đưa ra trước đó là 6%/năm. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại giá bán kèm theo các chương trình khuyến mại, căn hộ CT2A Tân Tây Đô vẫn nằm trong “tầm ngắm” của không ít khách hàng.
Không chỉ giám giá bán, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, để bán được hàng, dường như càng về cuối năm, các chủ đầu tư càng tung ra những chương trình ưu đãi, khuyến mãi lạ.
Chẳng hạn mới đây, thay vì giảm giá, chủ đầu tư Dự án Watermark trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) đã bán nhà với cam kết sẽ trả lợi tức cho khách hàng ngay từ khi bàn giao căn hộ, lên đến 14% tổng giá trị căn hộ, bất chấp chủ dự án có cho thuê được nhà hay không.
Tập đoàn Nam Cường cũng vừa cho biết sẽ miễn 6 tháng phí dịch vụ và áp dụng mức phí lâu dài với giá 3.000 đồng/m2 tại hàng loạt block chung cư tại Dự án Khu đô thị Dương Nội và Dự án Chung cư Cổ Nhuế. Trong đó, tại Chung cư Cổ Nhuế, Nam Cường vẫn đang tiếp tục mở bán các căn hộ.
Cũng với hình thức này, Vingroup đưa ra gói hỗ trợ miễn 10 năm phí dịch vụ, bên cạnh việc gia tăng thêm nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí ngay tại các khu đô thị đang trong quá trình bàn giao…
Chưa thể đánh giá được những hiệu quả cụ thể của mỗi chương trình chủ đầu tư áp dụng. Nhưng theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc giảm giá bán, gia tăng tiện ích và các hỗ trợ khác của chủ đầu tư ít nhiều sẽ thu hút khách hàng mua nhà trong những tháng cuối năm.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hàng loạt dự án căn hộ tại Hà Nội đang có kế hoạch bán hàng trong tháng 11 với nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn.
Cụ thể, Dự án SkyView Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) được chủ đầu tư là Công ty TNHH Phú Mỹ An dự kiến mở bán vào khoảng giữa tháng 11 với giá từ 22 - 24 triệu đồng/m2; Dự án Golden West của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) cũng sẽ mở bán trong tháng 11 với giá từ 22 triệu đồng/m2…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, tồn kho bất động sản tính đến tháng 9/2013 là 101.889 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng (khoảng 4%) so với tháng 8 và giảm  26.660 tỷ đồng (khoảng 20,7%) so với tháng 3/2013. Tại Hà Nội, tính đến tháng 7, lượng bất động sản tồn kho đã giảm 2.573 tỷ đồng (khoảng 15%) so với tháng trước đó. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc giảm lượng hàng tồn kho là do doanh nghiệp đã cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại giá bán và có các chính sách khuyến mãi… giúp giá bán trên thực tế giảm đáng kể.

Phòng ngừa sự cố công trình xây dựng: Cần giải pháp đồng bộ

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng ở các cấp độ khác nhau, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng-Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Sự cố công trình xây dựng-Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan.
Còn nhiều bất cập về chất lượng công trình xây dựng
Công trình Crescent Mall Shoping (khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) đang xây dựng bất ngờ đổ sập
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít sự cố ngay trong giai đoạn thi công xây dựng công trình, gây thiệt hại về người và tài sản. Điển hình là các sự cố sập sàn kho bê tông cốt thép trong lúc đổ bê tông tại nhà máy giấy LEE&MAN (Hậu Giang); sập đổ hoàn toàn hệ dầm sàn mái khi đang đổ bê tông công trình nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm (Thái Nguyên); vỡ đập tràn Thủy điện Đắk Mek 3, vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai); sập đổ tháp anten Trung tâm Kỹ thuật-Phát thanh truyền hình tỉnh Nam Định, tháp antenna phát sóng của VOV tại TP Đồng Hới (Quảng Bình)…
Đặc biệt, một số công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng gây bức xúc trong dư luận xã hội như tình trạng trồi sụt, bong tróc mặt đường Đại lộ Đông Tây, mặt cầu Thăng Long, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương...
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, dù chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản đảm bảo, ngày càng được nâng cao và được kiểm soát tốt hơn, nhưng vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết về chất lượng công trình xây dựng (CLCTXD) ở các cấp độ khác nhau, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục một cách nghiêm túc và thấu đáo.
Đó là vấn đề đảm bảo an toàn cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện; an toàn của các công trình kết cấu dạng tháp; an toàn cho hệ thống dàn giáo trong thi công xây dựng công trình; chất lượng các công trình giao thông bị xuống cấp nhanh sau thời gian khai thác, sử dụng và vấn đề an toàn phòng chống cháy cho công trình...
Ngoài ra, vấn đề an toàn cho công trình dân dụng trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của gió bão, việc xem xét lại các thông số về điều kiện tự nhiên do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH)… cũng là vấn đề đang được xã hội hết sức quan tâm.
Cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả 
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Trước những yêu cầu của thực tế, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng. Điều này nhằm mục địch đảm bảo CLCTXD, giảm thiểu sự cố công trình, đảm bảo phòng ngừa và khắc phục nhanh chóng, hiệu quả các sự cố trong xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các công trình và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD cho biết: CLCTXD là vấn đề quan trọng trong hoạt động xây dựng cần được tất cả các tổ chức, cá nhân, tập thể tham gia tăng cường quản lý.
Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý CLCTXD đã tương đối đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện đã có những yếu tố mới, bất cập và cần phải được sửa đổi. Việc sửa đổi đó sẽ giúp tăng cường công tác quản lý CLCTXD ngày một tốt hơn, thiết thực hơn.
Cũng theo ông Quang, trong những năm gần đây do sự BĐKH, tác động của thiên nhiên vượt quá giới hạn quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ, nên các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cũng cần phải rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm, như tham luận: “Sự cố đối với công trình tháp viễn tông tự đứng-thực trạng và giải pháp phòng ngừa” của TS. Nguyễn Đại Minh, Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng; “An toàn cháy trong công trình nhà-một số vấn đề cần quan tâm trong quá trình thi công” của ông Hoàng Anh Giang-Trưởng Phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện KHCN Xây dựng; “Những nguyên nhân gây ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe và giải pháp nâng cao chất lượng mặt đường bê tông nhựa”, “Sự cố trong xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ-nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” của đại diện Bộ Xây dựng.

Đồng Nai bỏ quy hoạch 2 cụm công nghiệp ở TP Biên Hòa

UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vừa quyết định bỏ quy hoạch hai cụm công nghiệp gỗ Tân Hòa (P. Tân Hòa) và cụm công nghiệp Tam Phước 1 (xã Tam Phước).

Lí do hủy bỏ quy hoạch, theo UBND TP. Biên Hòa, cụm công nghiệp gỗ Tân Hòa được quy hoạch trên 39 ha từ năm 2002 nhưng ở vị trí quy hoạch đã có doanh nghiệp tự sản xuất, chuyển nhượng đất nên việc sắp xếp rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ ở khu vực này cũng không đồng thuận.
Riêng cụm công nghiệp Tam Phước 1 được quy hoạch 57 ha nhưng có tám doanh nghiệp hoạt động sản xuất chiếm diện tích trên 48 ha, không còn để bố trí cho các doanh nghiệp khác. Diện tích đất dành cho hệ thống giao thông cũng đã hết nên quy hoạch cụm công nghiệp bị phá vỡ, phải loại bỏ khỏi quy hoạch.

Ả Rập Xê-út: Thị trường nhà ở vẫn nóng trong 5 năm tới

Trong vòng 5 năm nữa, Ả Rập Xê-út cần rất nhiều nhà ở, các công ty xây dựng đang có những cơ hội tuyệt vời trong một đất nước tăng trưởng nhanh cả về dân số lẫn thu nhập bình quân.

Ông Youssef Al-Shelash, Chủ tịch Công ty phát triển BĐS Dar Al-Arkan cho biết: “Số liệu chính thức đề cập đến nhu cầu 1,25 triệu đơn vị nhà từ năm 2010 đến 2014 và chắc chắn thị trường đang không cung cấp đủ, dẫn đến giá nhà tăng cao. Nguồn cung nhà ở vẫn thấp hơn nhu cầu dự kiến trong 10 năm tới là 4 triệu đơn vị nhà.”
Ảnh: Dự án Shams Al-Arous tại Jeddah của công ty Dar Al-Arkan.
Vấn đề thiếu hụt nhà ở tại Ả Rập Xê-út là một ví dụ về biến dạng thị trường có thể xuất hiện tại quốc gia giàu có này. Khoảng 60% dân số Ả Rập Xê-út, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đang ở nhà thuê, một tỷ lệ thấp thậm chí khi so sánh với các nước đang phát triển.
Các công ty xây dựng trong nước đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, một phần vì tài chính ngân hàng hạn chế cho các nhà thầu và người mua nhà, trong khi các công ty nước ngoài lại không thể bước chân vào ngành BĐS.
Để giảm căng thẳng xã hội, Quốc vương Abdulla trong năm 2011 đã công bố chương trình 67 tỷ USD để xây dựng 500.000 ngôi nhà trong vài năm. Nhưng chương trình bị trì trệ do thủ tục giấy tờ rườm rà và quá trình giải tỏa đất đai phức tạp.
Các công ty xây dựng ở nước này đã phải đối mặt trước áp lực tăng giá trong năm 2013 do chính phủ, nhằm thúc đẩy việc làm cho người dân đã đàn áp thẳng tay việc thuê nhân công nước ngoài rẻ hơn mà không đăng ký.
Theo ông Shelash, tính cạnh tranh yếu trong thị trường BĐS nhà ở sẽ khiến thị trường rất hấp dẫn trong ít nhất 5 năm nữa. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư Trung Đông, ông nói: “Nhu cầu nhà ở là một thách thức lớn cho Ả Rập Xê-út.”

Tp.HCM: Một số dự án thu quá tiền thuế của khách


Theo quy định, khi bán căn hộ, chủ đầu tư chỉ được thu hộ thuế GTGT 10% trên giá trị xây dựng, trừ phần đất. Tuy nhiên, thực tế phần lớn chủ đầu tư đều thu 10% trên tổng giá trị hợp đồng, tức tính luôn cả phần đất.







Bảng giá bán căn hộ dự án Ehome 3 của Công ty Nam Long thể hiện mức thuế VAT 10% tính trên tổng giá trị căn hộ - Ảnh: Đình Sơn


Thu lố tiền thuế



Phản ánh với Thanh Niên, bà Thủy - chủ một căn hộ tại chung cư 4S - Riverside Garden (Q.Thủ Đức) do


Khách hàng có thể kiện

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng Luật sư Trường, trong mọi trường hợp, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán căn hộ cho khách hàng có trách nhiệm phải xác định rõ phần nào là giá đất, phần nào là phần hạ tầng xây dựng để thu hộ thuế GTGT khi xuất hóa đơn cho khách hàng. Hiện các doanh nghiệp vẫn cố tình lập lờ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Những người mua nhà gặp phải trường hợp như vậy có thể khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả phần đã nộp dư. Một luật sư khác cho biết người dân có thể kiện chủ đầu tư ra Tòa Dân sự, yêu cầu hoàn trả số tiền thuế thu lố và lãi suất theo quy định.


Công ty TNHH xây dựng Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư - cho biết: Năm 2010, bà mua căn hộ diện tích 86,59 m2 với giá hơn 888 triệu đồng, chưa bao gồm thuế GTGT. Hiện bà đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, cộng với 10% thuế GTGT hơn 88 triệu đồng.

Theo bà Thủy, chủ đầu tư đã thu lố tiền thuế GTGT vì trong hóa đơn ghi rõ giá trị quyền sử dụng đất là hơn 146 triệu đồng, giá bán nhà chỉ hơn 742 triệu đồng. Theo quy định, chủ đầu tư chỉ được thu thuế GTGT trên giá bán nhà, phải trừ phần đất ra. “Theo luật, tôi chỉ phải đóng thuế GTGT hơn 74,2 triệu đồng nhưng công ty đã thu của tôi đến hơn 88 triệu đồng, thu lố của tôi hơn 14 triệu đồng. Trước đây, công ty đã hứa sẽ trả lại cho tôi số tiền này nhưng mới đây họ lại từ chối”, bà Thủy bức xúc nói.

Theo tính toán của ông Đỗ Quốc Thắng, Trưởng ban Quản trị chung cư 4S - Riverside Garden, với 280 căn hộ, tính bình quân chủ đầu tư thu lố 15 triệu đồng/căn hộ, số tiền chủ đầu tư dự án 4S - Riverside Garden thu sai quy định của khách hàng ở đây tới trên 4 tỉ đồng. Hiện một số khách hàng đã gửi đơn khởi kiện đến TAND Q.3 buộc chủ đầu tư trả lại tiền.

Trong vai khách hàng đi mua nhà, chúng tôi đã đến dự án Ehome 3 (Q.Bình Tân) do Công ty CP đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư và được nhân viên môi giới cung cấp bảng giá bán căn hộ, trong đó chủ đầu tư cũng thu thuế GTGT 10% trên tổng giá trị căn hộ. Tại nhiều dự án khác trên địa bàn TP.HCM chủ đầu tư đều thu 10% thuế GTGT trên tổng giá trị căn hộ như vậy. Lãnh đạo một công ty bất động sản thừa nhận, lâu nay 99% chủ đầu tư dự án đều tính thuế GTGT 10% trên tổng giá trị hợp đồng, chứ không hề trừ phần đất ra.

Yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền

Theo thông tin từ Chi cục Thuế Q.3, mặc dù Công ty Thành Trường Lộc thu 10% thuế GTGT nhưng khi xuất hóa đơn cho khách hàng thì lại làm đúng quy định khi tách doanh thu chịu thuế GTGT (phần xây dựng) và doanh thu không chịu thuế (chuyển quyền sử dụng đất). Công ty này cũng nộp phần thuế GTGT theo đúng luật. “Việc công ty này thu thừa tiền thuế GTGT của khách hàng và có làm cam kết đối với khách hàng sẽ hoàn trả số tiền thừa là cam kết dân sự, cơ quan thuế không có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết, khách hàng có thể khởi kiện”, một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.3 cho biết.

Bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Tp.HCM, cho biết khoản 9, điều 7 Thông tư số 06 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về giá tính thuế GTGT “đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế GTGT”. Thuế suất đã thống nhất khi xuất hóa đơn và doanh nghiệp phải kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước đúng tờ khai doanh nghiệp đã khai. Việc chiếm dụng tiền thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế.

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Với chính sách bồi thường phải đảm bảo tạo lập được nơi ở mới, cuộc sống người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo sự phấn khởi cho nhiều người. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình tái định cư (TĐC) ở nhiều nơi chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Chỉ 30% trường hợp ở nơi TĐC
Theo kết quả khảo sát của HĐND TP về đời sống người dân sau TĐC giai đoạn 2007 - 2012, chỉ có khoảng 30% người dân ở nơi TĐC, còn lại khoảng 70% là người dân phải tự lo nơi ở mới.
Quận 8 có 77.627 căn nhà, trong đó có 15.970 căn nhà lụp xụp cần phải di dời, giải tỏa để chỉnh trang; 9.503 hộ sống ven và trên kênh rạch. Những hộ dân này thường có rất ít hoặc không có giấy tờ hợp lệ về nhà đất, việc chuyển nhượng được thực hiện nhiều lần qua nhiều đối tượng, diện tích nhà - đất phát sinh qua từng thời điểm có nguồn gốc tạo lập chưa rõ ràng nên việc xác minh nguồn gốc pháp lý thường kéo dài và rất phức tạp. Chính vì vậy, khi áp dụng quy định hiện hành để áp giá bồi thường, hỗ trợ thì những hộ này chỉ được hỗ trợ với số tiền rất ít hoặc không được bồi thường và không được TĐC. Do vậy, những hộ dân này sau khi chuyển đến nơi ở mới lại càng khó khăn hơn.
Chung cư tái định cư 4 tầng An Phú - An Khánh, Tp.HCM
Đối với các hộ dân ở quận 8 được chuyển tới chung cư An Sương, quận 12, thì khó khăn gặp phải là địa điểm TĐC này quá xa so với nơi ở cũ, trong khi với hầu hết người dân, việc học tập và việc làm của họ vẫn còn ở quận 8. Bên cạnh đó, tại nơi ở mới thu nhập của nhiều người TĐC không cao bằng nơi ở cũ khiến tâm lý của họ bất ổn, do đó dễ dẫn đến việc bán nhà TĐC để định cư tại các vùng ven.
Tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền nhưng hiện nay người dân vẫn còn khó khăn về nơi buôn bán, vì hình thức buôn bán của người dân nơi đây chủ yếu là nhỏ lẻ, trong đó nhiều người bán hàng rong.
Ở quận Phú Nhuận, có 18 hộ đã giải tỏa toàn bộ, nhưng chỉ có 2 hộ vào ở căn hộ TĐC, còn lại chọn phương thức nhận tiền tự lo nơi ở mới. Còn ở quận Thủ Đức có 17 dự án, trong đó có nhiều công trình trọng điểm như dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi; dự án Nút giao thông Gò Dưa, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội… Trong đó, số hộ bị ảnh hưởng trong dự án là 3.428 hộ, đa số bị giải tỏa một phần, 1.129 trường hợp bị giải tỏa trắng. Đối với trường hợp được bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư, số hộ dân vào ở chiếm khoảng 27%, có tới 73% hộ dân chuyển nhượng hoặc ủy quyền cho người khác sử dụng.
Nhiều vướng mắc
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, việc bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư chỉ phù hợp đối với một số đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và những người có thu nhập ổn định. Những hộ dân là lao động tự do, buôn bán nhỏ thì gặp nhiều khó khăn khi ở chung cư vì không có mặt bằng để kinh doanh. Các trường hợp được bố trí TĐC bằng nền đất cũng cho rằng khu TĐC chỉ để ở, chỉ thuận lợi trong việc sinh hoạt chứ không thuận lợi trong việc buôn bán kinh doanh tạo thu nhập ổn định. Ngoài ra, các hộ dân tại khu căn hộ TĐC phản ánh việc các phí dịch vụ còn quá cao, việc chuyển đổi việc làm và tiếp cận đến các cơ sở học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp được bồi thường hỗ trợ không đủ để mua nền đất hoặc căn hộ TĐC, phải vay thêm để mua, nên phải trả lãi hàng tháng, do vậy một số người dân chậm trả nợ ngân hàng.
Tại các cuộc họp với đoàn giám sát HĐND TP, đại diện phần lớn các quận, huyện đều không nắm rõ việc người dân tự tìm nơi ở mới sau khi được bồi thường TĐC. Khi người dân đến nơi khác sinh sống thì thường mua đất, mua nhà bằng giấy tay vì điều kiện kinh tế khó khăn, do đó khi những hộ này bị vướng vào chỉnh trang đô thị lần 2 sẽ không được bồi thường. Những khu như vậy, về lâu dài sẽ là gánh nặng của nhà nước vì phải chăm lo đời sống cho những hộ nghèo. Có một số hộ dân ở quận Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định nên được thưởng tiền, nhưng họ đã chuyển đi và số tiền này, chính quyền địa phương cũng không biết cách nào để chuyển cho họ.
Còn tại chung cư Lý Chiêu Hoàng (phục vụ dự án Nâng cấp đô thị thành phần 2), do chất lượng chưa tốt nên bị người dân phản ánh. Các chung cư Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây cũng xuống cấp, khiến các hộ TĐC ở đây gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Địa điểm chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh khá xa nơi ở cũ, là trở ngại lớn khi vận động người dân đến TĐC tại đây.
Các dự án triển khai thực hiện trong thời gian qua đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, nâng cao bộ mặt mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Việc TĐC đã góp phần giải quyết bài toán quy hoạch đô thị, phân bố lại dân cư và phát triển hạ tầng ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác TĐC còn tồn tại không ít vướng mắc cần sớm giải quyết để đạt hiệu quả cao hơn.

Nhà thu nhập thấp Đặng Xá tiếp tục nhận hồ sơ

Tư sau khi chính thức mở bán đến nay, dự án Nhà ở cho người có thu nhập thấp NO5 Đặng Xá đã có hơn 400 hồ sơ đăng ký mua nhà.

Chủ đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục nhận hồ sơ mua căn hộ dự án Khu nhà ở thu nhập thấp NO5 Đặng Xá Viglacera. Dự án mới khởi công được hơn một tháng, đến nay đã hình thành và xây dựng gần xong phần thô.
Khi mua căn hộ tại dự án Nhà ở cho người TNT NO5 Đặng Xá khách hàng còn được hưởng gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ. Theo đó, khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm với mức lãi suất không vượt quá 6%/năm, khách hàng có thể thế chấp tài sản chính bằng căn hộ vừa mua.