Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Giá đất 2 quận mới Từ Liêm rục rịch tăng

Sau khi lên "phố", giá nhà đất tại 2 quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm đã có dấu hiệu rục rịch tăng. Giá thị trường hiện nay cao hơn rất nhiều so với bảng giá đất mà Hà Nội vừa công bố mới đây.

Kể từ thời điểm ngày 27/12/2013, khi xã Phú Diễn chính thức được tách làm 2 phường Phú Diễn và Phúc Diễn thuộc quận Bắc Từ Liêm, giá đất tại khu vực này đã có dấu hiệu nhích lên, người mua, kẻ bán cũng sôi động hơn. Lý do đơn giản được người bán giải thích là bây giờ xã đã thành phường, đường làng đã thành ngõ phố thì tất yếu giá đất tăng lên mặc dù bối cảnh BĐS hiện vẫn đang rất ảm đạm.
Trong vai một người đi tìm hiểu để mua đất ở khu vực Kiều Mai (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm), chúng tôi được biết, trước đây khi còn là làng, giá đất ở đây dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Tuy nhiên, hiện giá đất ở khu dân cư này thấp cũng rơi vào 30 triệu đồng/m2, đất có vị trí đẹp, mặt ngõ rộng được hét giá lên tới 60 triệu đồng/m2.
Qua một chị bán nước ngay trước cửa đình thôn Kiều Mai, chúng tôi liên hệ được với bà Nguyễn Thanh Tâm, người gốc Kiều Mai. Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu mua đất, bà Tâm dẫn chúng tôi đi xem mảnh đất của gia đình bà hơn 80m2 ở khu vực gần cuối làng. Mảnh đất vuông vắn, đã được xây quây gọn gàng, có thể chia thành 2 lô hợp cho thiết kế nhà ống, ngõ trước mặt khoảng 3m. Sau khi xem kỹ các giấy tờ pháp lý, bà Tâm cho biết, giá bán là 37 triệu đồng/m2.
Mặc dù còn đang ngổn ngang xây dựng, nhưng giá đất ở mặt đường nhỏ khu vực Nhổn được “hét” giá 80 triệu đồng/m2.
Thắc mắc về giá, chúng tôi nhận ngay được câu trả lời: “Giá bây giờ không giống giá trước nữa đâu. Năm ngoái, chính tôi cũng có ý định bán mảnh đất này, cũng có một vài người đến xem nhưng họ trả rẻ quá, với cả chưa cần tiền nên gia đình không bán. Bây giờ có việc nên mới bán nhưng nhất quyết không dưới 37 triệu đồng/m2. Nếu có ra lộc thì chỉ gọi là thôi. Các cậu cứ xem thoải mái, về suy nghĩ kỹ, ưng thì lấy, không thì thôi, bởi đã vài người vào xem rồi, họ trả 35 triệu đồng/m2 mà tôi không đồng ý đấy”, bà Tâm cương quyết.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thêm một căn nhà 54m2 đã được xây sẵn 2 tầng ngay sát đình thôn Kiều Mai. Liên lạc qua điện thoại, anh Nguyễn Viết Hải - chủ nhà không ngần ngại tuyên bố giá bán là 58 triệu đồng/m2, mà theo ý anh là chỉ tính giá đất vì nhà xây lâu rồi nên không tính. “Giá đó các chú cứ tìm hiểu, nếu kết thì sẽ hẹn gặp để xem kỹ giấy tờ và bàn bạc cụ thể về giá. Anh nói trước là cũng chỉ ra lộc được tí tỉnh, không nhiều đâu. Trả lời lại sớm nhất cho anh vì cũng đang có mấy người hỏi rồi đấy”, anh chủ nhà chốt lại câu chuyện. Qua câu chuyện điện thoại của chúng tôi, chị chủ quán nước và một số người bàn tán, trước giá đất ở đây lúc sốt cũng rất cao, thậm chí ra sát mặt đường 32 còn được hét đến 80 triệu đồng/m2, sau đó giá đất xuống rất nhiều, thường dao động khoảng 20 đến 30 triệu đồng/m2. Chỉ từ thời điểm đầu năm 2014, Từ Liêm tách thành 2 quận mới, xã thành phường, giá đất mới tăng trở lại, và trong vài tháng trở lại đây thì giá đất đang tăng chóng mặt.

Tp.HCM chuẩn bị xây trung tâm hành chính mới

Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự xây dựng trung tâm hành chính mới của Tp.HCM vừa cung cấp thông tin đang tháo dỡ chung cư cũ ngay góc đường Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn để chuẩn bị mặt bằng cho dự án xây dựng trung tâm này.

Dự kiến các công trình kiến trúc hiện hữu trong ô phố rộng 18.000 mét vuông - giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn – Pasteur - Lý Tự Trong - Đồng Khởi (quận 1) - sẽ được tháo dỡ. Riêng công trình số 86 Lê Thánh Tôn, tức là trụ sở HĐND và UBND TPHCM hiện nay, sẽ được giữ lại, trùng tu và xây nối dài đến đường Đồng Khởi.
Hiện có ý kiến của một số chuyên gia đề xuất giữ lại một số công trình kiến trúc có giá trị di tích nằm trong ô phố này, nhưng theo chủ đầu tư, ngoại trừ công trình số 86 Lê Thánh Tôn thì các công trình còn lại không nằm trong danh sách các công trình di sản cần bảo tồn.

Chung cư cũ nằm ở góc đường Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn đang được tháo dỡ để chuẩn bị mặt bằng
xây dựng trung tâm hành chính mới của Tp.HCM
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, công trình trung tâm hành chính mới của Tp.HCM sẽ được chia làm hai lớp: (i) công trình trụ sở UBND thành phố hiện hữu sẽ được bảo tồn kiến trúc, mặt tiền được kéo dài đến giáp đường Đồng Khởi; (ii) công trình kiến trúc hiện hữu phía sau trụ sở UBND thành phố được phân thành hai cấp tầng cao khác nhau, cấp có tầng cao nhất là nơi làm việc của các sở - ngành (mặt tiền đường Lý Tự Trọng), cấp có tầng cao thấp hơn là nơi làm việc của UBND thành phố.
Cũng theo ông Hòa, lãnh đạo thành phố muốn toàn bộ tầng trệt của tòa nhà trụ sở UBND Tp.HCM hiện nay sẽ được cải tạo lại thành không gian công cộng - mở cửa cho các hoạt động văn hóa cộng đồng; các phòng làm việc của chính quyền thành phố được bố trí ở tầng một và các công trình kế cận…
“Đó là ý tưởng mà lãnh đạo thành phố mong muốn được thể hiện trong đồ án quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế kiến trúccông trình trung tâm hành chính của thành phố,” ông Hòa nói.

BĐS thương mại Nga đóng băng do tình hình chính trị bất ổn

Các nhà đầu tư BĐS nước ngoài đang tạm dừng mọi hoạt động giao dịch do e sợ tình hình chính trị Ukraine sẽ còn xấu thêm. Theo nhận định của Jones Lang LaSalle thì hoạt động đầu tư vào phân khúc BĐS thương mại sẽ giảm trên diện rộng trong năm nay. Cụ thể, cho đến tuần qua, khối lượng giao dịch đã giảm 8.1 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái.

Ông Stanislav Bibik- giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu thị trường của Colliers International tại Nga cho biết hiện nay mọi giao dịch đầu tư đều chững lại bởi tất cả đang chờ đợi xem điều gì sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới đây.
Chỉ tính riêng trong quý I-2014 phân khúc văn phòng đã nhận được 151 triệu USD tiền đầu tư, 349 triệu USD cho các dự án bán lẻ và 142 triệu USD vào đất dự án phục vụ cho các dự án phát triển sau này.
Căng thẳng về chính trị cùng nỗi lo sợ về việc Mỹ và Liên minh châu Âu phê chuẩn những điều luật mới sẽ khiến các nhà đầu tư BĐS rơi vào tình cảnh trớ trêu.
Ông Bibik cho hay các tập đoàn đầu tư lớn như Morgan Standley, Hines, Heitman và Sponda đóng vai trò vô cùng quan trọng tại thị trường BĐS Nga trong 5 năm qua. Thương vụ lớn nhất trong năm 2013 là từ Morgan Stanley với giá trị giao dịch đạt tới 1.2 tỉ USD khi mua lại trung tâm thương mại Metropolis tại phía Bắc Moscow.
Thi phần của các công ty nước ngoài đang tăng trở lại sau khi giảm mạnh do cuộc suy thoái 2008-2009 nổ ra. Theo số liệu bên Cushman & Wakefield cung cấp thì lượng thị phần này đã tăng khoảng 30% vào tất cả các dự án đầu tư BĐS thương mại trong năm 2013.Tuy nhiên lượng thị phần này sẽ có thể giảm 5-10% trong năm nay.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét lại xem có nên tiếp tục rót vốn đầu tư vào Nga hay không. Trên thực tế thì tại đây vẫn thực sự có nhiều đầu tư vào phương tiện giao thông, thị trường chứng khoán thì  mạo hiểm vô cùng, duy chỉ có thị trường BĐS thương mại là có độ an toàn cao và hoàn vốn, kiếm lời nhanh.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

ADB: Gói 50.000 tỷ đồng đang tham vọng

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vừa công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của PV, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng gói tín dụng này khá tham vọng.

Theo vị này, năm 2013, Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng, nhưng đến tháng 2/2014 tỷ lệ giải ngân của gói này mới là 4%. Do vậy, để giải ngân cao gói 50.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn là điều thách thức.

Chuyên gia ADB cho rằng để giải ngân nhanh gói 50.000 tỷ đồng là một thách thức lớn
Bên cạnh đó, ADB cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng bất động sản. "Vấn đề chính nằm ở phía cầu chứ không phải phần cung, bởi ngân hàng khó xác định được những khoản vay tốt và quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Những điều này đã kìm giữ tăng trưởng tín dụng", ông Mellor cho hay.
Giải quyết nợ xấu cũng là vấn đề các chuyên gia ADB quan tâm. Giám đốc ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng kinh tế sẽ chuyển biến tích cực nếu nợ xấu của hệ thống ngân hàng được giải quyết triệt để, một phần thông qua quá trình mua nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Tuy nhiên, thách thức mà VAMC đang phải đối mặt là năng lực tài chính còn quá hạn chế, khi mà dự kiến mua tới 4,8 tỷ USD nợ xấu từ các ngân hàng trong năm 2014.
VAMC đang phải tiến hành các hoạt động tái cơ cấu nợ phức tạp và thực thi nhiệm vụ với số vốn ban đầu ít ỏi 24 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng), báo cáo của ADB cho biết. Và theo ông Mellor, con số này là "chưa đủ".
Trả lời báo chí đầu năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch VAMC cũng nhận định vốn điều lệ 500 tỷ đồng là không đủ để thu mua nợ xấu hoặc bảo lãnh tài sản thế chấp. Do vậy, cơ quan này đề xuất xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng (khoảng 95 triệu USD) nhưng chưa được thông qua.
Ngoài ra, việc thực thi Thông tư 02 một lần nữa bị trì hoãn sang năm 2015 và không yêu cầu cao như dự định ban đầu sẽ ảnh hưởng đến những yêu cầu phân loại nợ dựa trên các dữ liệu từ trung tâm thông tin tín dụng và các ngân hàng có thể lợi dụng dư địa khi văn bản này chưa có hiệu lực để tiếp tục "né nợ xấu", chuyên gia của ADB nhận xét.
"Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về tiêu chuẩn phân loại nợ của Việt Nam với quốc tế, nếu càng trì hoãn thi hành thì rủi ro càng cao", ông Mellor nhấn mạnh. Song, vị này cũng thừa nhận không thể trong một sớm một chiều có thể thay đổi thông lệ kế toán tại Việt Nam, do vậy cần đặt ra những chỉ tiêu cục thể và lộ trình thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần thực hiên tốt việc giám sát tại chỗ để đảm bảo các ngân hàng thương mại không vượt quá giới hạn. "Mục đích của ngân hàng thương mại là tạo lợi nhuận và họ luôn có động cơ đẩy các giới hạn đi quá xa, do vậy Ngân hàng Nhà nước không thể giả định các ngân hàng đang hoạt động tốt mà cần có hệ thống giám sát hiệu quả", vị này nói
Liên quan đến việc gọi vốn ngoại để tái cơ cấu các ngân hàng trong nước, ông Mellor đánh giá việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% là đúng hướng. Trước mắt, ông tán đồng với quyết định của Chính phủ là sẽ giữ trần ở 30%, song trong tương lai, vị này cho rằng cần phải nới lỏng hơn nữa. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý muốn tham gia nhiều hơn vào ngân hàng Việt Nam, song họ sẽ khó trở thành nhà đầu tư chiến lược nếu lượng cổ phần nắm giữ còn quá thấp", vị này cho hay.

Nguy cơ bão hòa thị trường nhà chung cư tại Bangkok


Cuối tháng 3 vừa qua, CBRE Thái Lan đã cung cấp thêm chứng cứ cảnh báo thị trường căn hộ chung cư ở trung tâm và ngoại ô Bangkok đang gần bão hòa.


Trong báo cáo quý IV-2013 điểm tin thị trường nhà ở Bangkok, CBRE đã bày tỏ mối quan ngại về tình trạng bão hòa tại một số địa điểm ở trung tâm và ngoại ô Bangkok, đặc biệt khi tính đến lượng nhà sẽ hoàn tất trong hai năm tới.

Phát ngôn viên từ văn phòng nghiên cứu CBRE Thái Lan cho biết: “Chúng tôi lo lắng đến thị trường trung tâm và ngoại thành Bangkok vì nguồn cung nhà mới sẽ hoàn thành trong năm 2014 và 2015. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có hơn 60.000 nhà chung cư tại hai khu vực này sẽ được hoàn tất trong năm 2014 và con số tương tự cho năm tiếp theo.



“Chúng tôi tin rằng rủi ro là các nhà thầu của một số dự án thu về các khoản trả dần 10% hoặc ít hơn trong thời gian xây dựng có thể khuyến khích người mua đầu cơ – tức là người mua bán lại trước khi nhà được hoàn thiện. Một số nhà đầu tư có thể không có lãi khi bán lại nếu không thể vay thế chấp, vì thế có thể họ có thể không trả hết tiền theo giai đoạn, khiến các nhà thầu trơ ra với nhà đã hoàn thành nhưng lại tồn kho không bán được.
Điểm này không đúng với mọi dự án vì thế không thể xác định khu vực cụ thể có thể bị tác động trong giai đoạn này.”

Phát ngôn viên từ CBRE cũng bày tỏ lo ngại về các dự án đang trong quá trình xây dựng của các nhà thầu nhỏ và ít kinh nghiệm hơn. Phần lớn đây là những dự án thấp tầng trên những khu đất nhỏ ở những vị trí kém thuận lợi. CBRE lo ngại các nhà thầu nhỏ không thể bán hết nhà mà không có nguồn lực tiếp thị của các nhà thầu lớn.

Bất động sản Đà Nẵng phục hồi rõ rệt

Đà phục hồi của thị trường từ cuối năm 2013 cộng với giá nhà đất đang trở về mức giá trị thực, các dự án đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách hậu mãi hấp dẫn…là những yếu tố giúp thị trường BĐS Đà Nẵng “tăng nhiệt” và có sức thu hút với các nhà đầu tư.

Giao dịch tốt ở nhiều phân khúc 
Mới bước vào những tháng đầu năm, nhưng thị trường giao dịch Đà Nẵng đã chứng kiến một sự sôi động hiếm thấy trong suốt mấy năm qua. Số lượng các dự án giao dịch thành công tăng lên ngày một, báo hiệu một mùa vụ “tươi tốt” của thị trường. 
Ở mảng đất nền đô thị, đất nền giá rẻ vẫn là phân khúc có sức hút lớn nhất, giao dịch tốt nhất.  Ông Trần Ngọc Thành, Tổng Giám Đốc Cty CP Đất Xanh miền Trung cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, Đất xanh đã giao dịch thành công 70 sản phẩm đất nền Nam Đà Nẵng, với giá khoảng 200 đến 250 triệu đồng/lô, tăng gần 100% so với cùng kì năm 2013. Quý I-2014, Đất Xanh Miền Trung đã bán thành công 2 dự án gồm 90 nền dự án đô thị số 3 trong tháng 1 và 2; 100 nền thuộc dự án KĐT Ngân Câu, Ngân Giang trong tháng 3. Dự  án KĐT Nam cầu Nguyễn Tri Phương của Sun Group cũng bán được khoảng 200 nền thuộc giai đoạn 2, với mức giá 450 triệu/nền.

Đất nền giá rẻ đang là tâm điểm của thị trường BĐS Đà Nẵng
Nhiều dự án giá rẻ khác cũng có thanh khoản tốt, giao dịch khả quan như dự  án Nam Cầu Nguyễn Tri Phương (từ 380 triệu/nền), dự án phía Nam Đà Nẵng (210 triệu/nền), dự án Phước Lý (350 triệu/nền)…
Nhận định về sự nhộn nhịp “bất ngờ” của thị trường, Ông Nguyễn Anh Tấn, Giám đốc công ty Sunland cho biết, nhiều chính sách vĩ mô bắt đầu có hiệu lực từ năm 2014, cộng với nguồn vốn tín dụng giá rẻ của các ngân hàng bắt đầu “mở van” cho khách hàng mua nhà chính là liều thuốc kích thích thị trường BĐS khởi sắc trong năm 2014.
Các dự án cũng có dấu hiệu tăng nhẹ về giá bán, khoảng 3 – 5% so với năm 2013. Một số dự án đang giao dịch ngoài thị trường tăng khoảng 200.000đ/m2 so với giá các sàn giao dịch bán ra trước đây. Khách hàng chủ yếu tại các dự án hiện vẫn là những người có nhu cầu thực, mua nền đất xây nhà ở hoặc để dành cho con cháu. Đây chính là một tín hiệu tốt cho thấy thị trường đã có sự chuyển dịch rõ rệt với sự tham gia đông đảo của người mua thực.
Bên cạnh phân khúc đất nền, thị trường BĐS du lịch ven biển Đà Nẵng cũng đã có những khởi sắc ấn tượng. Thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào phân khúc này. Trong đó, đáng chú ý là các dự án như khu phức hợp Fussion Salter; resort P&I Đà Nẵng; Khu du lịch Bến thành – Non Nước…
Lượng khách tìm thuê khách sạn trong những tháng đầu năm 2014 cũng tăng đột biến. Công suất buồng phòng ở một số resort ven biển đã đạt mức 90 – 100%.
Do nguồn cung không nhiều như Hà Nội và Tp.HCM nên thị trường căn hộ chung cư tại Đà Nẵng khá ổn định, các dự án vẫn có giao dịch đều và gần đây bán khá tốt như dự án căn hộ chất lượng cao Lapaz, dự án Azura... Ngoài lượng khách tìm mua nhà để ở, phân khúc căn hộ còn ấm lên do nhu cầu khách tìm thuê nhà từ các tỉnh bên ngoài đổ về.
Nhiều nhà đầu tư Bắc – Nam “nhắm” tới Đà Nẵng
Trong thời gian từ đầu năm 2014 đến nay, lượng nhà đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là Hà Nội tham gia vào thị trường BĐS Đà Nẵng ngày càng nhiều, góp phần kích thích sự tăng trưởng của thị trường Đà Nẵng. Nhiều nhà đầu tư lớn ở Hà Nội cũng đã bắt đầu chú ý đến các giao dịch dự án ở phân khúc cao cấp, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng.

BĐS du lịch-nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư Hà Nội, Tp.HCM
Theo các chuyên gia, có 80% người mua đất nền ở Đà Nẵng, đến từ Hà Nội. Anh Vũ Thế Cường, một nhân viên môi giới đất ở quận Ngũ Hành Sơn cho biết, các nhà đầu tư Hà Nội mua bán nhanh, sòng phẳng, và họ rất thích khu vực ven biển. Dịp lễ 30/4 – 1/5 là thời điểm mà người Hà Nội đổ xô vào Đà Nẵng nghỉ ngơi, tắm biển, du lịch… đồng thời tìm mua nhà đất.
Anh Trần Ngọc Thái, trưởng nhóm kinh doanh công ty Đất Xanh Miền Trung cũng nhận xét: “NĐT Hà Nội rất hào hứng với thị trường BĐS Đà Nẵng bởi hạ tầng đô thị vùng quy hoạch tốt, gần trung tâm, giá rẻ . Vì vậy, trong năm 2014, thị trường Đà Nẵng báo hiệu sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư trở lại của khách hàng miền Bắc và miền Nam”.
Như vậy thị trường BĐS Đà Nẵng đang thực sự khởi sắc và ấm hẳn lên so với thị trường bất động sản Hà Nội. Tp.HCM. Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường cũng không thực sự suôn sẻ như vẻ ngoài của nó. Dấu hiệu ấm lên của BĐS Đà Nẵng hiện nay mới chỉ dừng lại ở người tiêu dùng Đà Nẵng với nhu cầu thực, do vậy khối lượng giao dịch còn giới hạn, lượng giao dịch do đầu tư chưa có động thái nào. Một phần do thị trường chưa có phản ứng xoay chiều một cách rõ rệt, mặt khác suy thoái ảnh hướng đến các công ty đầu tư ở hai miền.
Để duy trì sự sôi động của thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian tới một cách đúng hướng, ông Võ Văn Cường, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp. Đà Nẵng lưu ý rằng: “Đà Nẵng cần những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục có những chính sách tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua nhà để ở… Về phía các chủ đầu tư, muốn tồn tại và vượt qua khủng hoảng thì việc điều chính hướng kinh doanh, lựa chọn phân khúc đầu tư, đối tượng khách hàng để thích nghi với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Tranh chấp tại các chung cư: Đâu vẫn hoàn đấy!

Những tranh chấp kéo dài giữa khách hàng với chủ đầu tư, nhà quản lý là do các quy định văn bản hướng dẫn thi hành hay các khái niệm và một loạt hệ thống quản lý, quy chế điều hành chung cư còn nhiều bất cập.

Đau đầu cơ quan quản lý
Tòa nhà chung cư cao cấp Golden Westlake đi vào vận hành từ lâu nhưng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chính là vụ việc tranh chấp, khiếu nại về sở hữu tầng hầm và phí trông giữ xe giữa cư dân và chủ đầu tư dự án là Công ty Hà Việt Tung Shing kéo dài suốt mấy năm qua.
Dù đây là những vụ việc dân sự nhưng căng thẳng đến mức Sở Xây dựng, Sở Tài chính đã nhiều lần giải quyết, có văn bản hướng dẫn nhưng vụ việc vẫn kéo dài. Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có kết luận vụ tranh chấp tại chung cư này giữa chủ đầu tư và cư dân. Theo đó, UBND thành phố khẳng định đồng ý với kết luận của Thanh tra thành phố từ 5/7/2013.
Tranh chấp chủ đầu tư, kiện cáo, dự án, tòa nhà, chung cư, khu đô thị, kiện chủ đầu tư
Theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, việc ban hành văn bản của Sở Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý sử dụng phí trông giữ xe tại tầng hầm toà nhà Golden Westlake trái thẩm quyền, vi phạm Luật Nhà ở là không có cơ sở.
Việc Sở Tài Chính xác định các khoản chi phí điện năng, chi phí khấu hao thiết bị tầng hầm, phí đỗ xe ô tô bao gồm cả thuế VAT và việc thẩm định phí trông giữ xe ô tô tại tầng hầm 151 Thuỵ Khuê không phải thông qua Ban đại diện khu dân cư là đúng quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Thành phố, từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing thực hiện dự án xây dựng chung cư cao cấp Golden Westlake 151 Thuỵ Khuê. Kết quả kiểm toán của Công ty TNHH Deloitte VN xác định giá vốn của căn hộ chung cư bán ra đã hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp không bao gồm chi phí xây dựng tầng hầm. Hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và người mua nhà xác định rõ khu vực tầng hầm thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Cách đây không lâu, tòa nhà chung cư Keangnam vừa đi vào hoạt động đã nảy sinh mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư. Đỉnh điểm của sự việc là ban quản lý cắt thang máy của cư dân, người dân thì căng băng rôn khẩu hiệu phản đối và tố cáo ban quản lý. Ngay khi sinh cơ quan chức năng vào cuộc, những tranh chấp đã dần được giải quyết nhưng tới nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự hài lòng về phí dịch vụ của tòa nhà. 
Hàng loạt các chung cư cao cấp khác như The Manor, Sky City Láng Hạ, Pacific Lý Thường Kiệt cũng đã nảy sinh hàng loạt tranh chấp.
Lỗi từ nhiều phía
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới các vụ tranh chấp ở chung cư chủ yếu là quy định của pháp luật không rõ ràng và không hợp lý, do đó không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong đó vấn đề quan trọng nhất là sỡ hữu chung diện tích để xe.
“Người sử dụng nhà thường đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao, nhưng lại chỉ muốn nộp phí thấp. Ngược lại, chủ đầu tư thì luôn muốn thu nhiều, nhưng lại rất tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, khi thấy không được thỏa mãn, hai bên đã diễn ra tranh chấp”, ông Đức nói.
Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan đến tranh chấp chung cư được ban hành khá đầy đủ (tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp liên quan đến diện tích chung - riêng; phí quản lý và bảo trì; chất lượng công trình và bảo hành…), nhưng lại nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Khiếu nại, các nghị định, thông tư hướng dẫn...
Theo Luật sư Lê Minh Toàn, một trong những lý do khiến tranh chấp chung cư kéo dài là tình trạng phối hợp và giải quyết của các cơ quan chức năng (UBND các cấp, Tòa án) còn kéo dài, gây bức xúc cho các bên tranh chấp mỗi khi có tranh chấp xảy ra. Nhiều kết luận của các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND các cấp trong việc giải quyết còn nhiều điểm chưa chính xác, không khách quan, thậm chí không đúng luật, khiến cho mâu thuẫn càng thêm trầm trọng. 
Do đó, việc nghiên cứu ban hành thống nhất một quy định pháp lý về quản lý chung cư sao cho dễ hiểu, dễ thực thi, để tránh sự chồng chéo, hoặc quy định rải rác trong các văn bản hiện nay là điều cần được tính đến trong việc luật hóa một lĩnh vực dễ bùng phát mâu thuẫn hiện nay.
Theo phản ánh của đại diện nhiều ban quản trị chung cư, mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP nhưng các văn bản này chỉ hướng dẫn thực hiện mà không có chế tài khi chủ đầu tư không thực hiện những quy định của luật. 
Để giải quyết các tranh chấp ở chung cư, ông Đức kiến nghị, cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng và cam kết của chủ đầu tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Các cơ quan quản lý phải vào cuộc bắt buộc chủ đầu tư phải bàn giao quyền quản lý chung cư theo đúng quy định của pháp luật.
Những vụ lùm xùm này xảy ra ở các chung cư này không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân mà còn khiến cho người dân và những người đang có nhu cầu mua chung cư mất hết lòng tin vào loại hình nhà ở này và nó cũng khiến cho các cơ quan chức năng không khỏi đau đầu.
(Theo Vietnamnet)